Theo hãng tin Reuters, bà Xiaoning Sui (48 tuổi) đã xuất hiện trong một phiên tòa do thẩm phán liên bang Douglas Woodlock làm chủ tọa xét xử qua ứng dụng Zoom liên quan đến bê bối chạy trường đại học Mỹ phát hiện đầu năm ngoái.
Trước đó, tháng 2/2020, bà Sui đã nhận tội hối lộ các chương trình liên bang. Đổi lại, bà sẽ không phải chịu thêm án tù sau khi bị tạm giam 5 tháng ở Tây Ban Nha từ tháng 9 năm ngoái.
Công tố viên cho biết 5 tháng bà ngồi tù cũng tương đương mức án mà các bậc phụ huynh khác bị kết tội trong vụ bê bối. Luật sư của bà Sui, ông Martin Weinberg cho biết thân chủ của ông “rất hối hận” và hình phạt như thế là đủ.
Mặc dù Thẩm phán Woodlock nhất trí với mức án tù đối với bà Sui song ông khẳng định người phụ nữ này vẫn phải chịu mức phạt hành chính cao nhất.
Sui là một trong 53 đối tượng bị cáo buộc có liên quan đến đường dây chạy trường đại học ở Mỹ. Trong đường dây này, nhiều bậc phụ huynh đã kết nối với một tư vấn viên tuyển sinh đại học California để tiến hành hối lộ và các hình thức lừa đảo khác nhằm giúp con cái mình vào những trường đại học hàng đầu trên đất Mỹ.
Theo các nhà điều tra, tên cầm đầu đường dây chạy suất vào đại học là William "Rick" Singer, 58 tuổi, người đứng đầu tổ chức từ thiện Key Worldwide Foundation và là Giám đốc điều hành (CEO) của công ty đào tạo và hướng nghiệp Edge College & Career Network.
Sau khi bị bắt giữ, tên Singer đã thừa nhận dàn dựng các vụ gian lận trong kỳ thi đầu vào và hối lộ các huấn luyện viên thể thao trong trường đại học đưa ra tiến cử giả để giúp các thí sinh được nhận vào trường. Singer cho biết đã giúp 761 gia đình ở Mỹ trong các đợt tuyển sinh đại học thông qua "cửa phụ". Singer đang phải đối mặt với mức án tối đa là 65 năm nếu bị kết án. 36 phụ huynh, trong đó có nữ diễn viên nổi tiếng Lori Loughlin, cũng bị buộc tội.
Các công tố viên cho biết trong tháng 8/2018, tên Singer đã gọi điện báo cho bà Sui rằng sẽ mất 400.000 USD để đảm bảo con trai bà có một suất trong các trường đại học ở Mỹ, trong đó có Đại học California (UCLA). Singer đã chi tiền cho huấn luyện viên bóng đá Jorge Salcedo của UCLA. Người này trước đó cũng đã nhận 100.000 USD cho một khách hàng khác của Singer. Tháng 4 vừa qua, Salcedo nhận tội.
Tháng 3/2019, truyền thông Mỹ đưa tin cảnh sát nước này triệt phá một đường dây chạy suất vào các trường đại học hàng đầu ở "xứ cờ hoa". Chiến dịch mang tên "Varsity Blues" đã xác nhận 50 nghi phạm bao gồm các CEO, nhiều ngôi sao nổi tiếng ở Hollywood, các nhà thiết kế thời trang, các luật sư cao cấp và giáo sư đại học... tại Mỹ. Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết đường dây này đã hoạt động từ năm 2011 và bê bối chạy suất liên quan 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ.
Vụ bê bối trên bị lật tẩy trong bối cảnh các bậc phụ huynh ở Mỹ lo ngại về tình trạng cạnh tranh căng thẳng để có được một suất vào đại học, cũng như bức xúc về các đặc quyền dành cho giới nhà giàu ở nước này.