Do đó, Đức cũng nỗ lực đưa ra những quy định chặt chẽ nhằm hạn chế phần nào những tác hại không mong muốn, cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân.
Từ năm 1999, luật pháp của thủ đô Berlin cấm tiêu thụ rượu ở nơi công cộng. Nếu bị bắt gặp có thể bị phạt 10 Euro (11,35 USD) và bị đuổi việc, luật này đã được dỡ bỏ vào giữa năm 2006. Tuy nhiên, vào năm 2008, một số thành phố khác của Đức đã ban hành lệnh cấm sử dụng rượu nơi công cộng, khởi đầu là Marburg vào ngày 6/12/2007 và Freiburg vào năm 2008, tiếp theo đó là các thành phố Erfurt, Magdeburg, Bamberg, Ilmenau và Görlitz. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã gây tranh cãi về mặt pháp lý. Lệnh cấm rượu tại Freiburg, Magdeburg và Erfurt đã lần lượt bị dỡ bỏ theo phán quyết của các tòa án hành chính cấp cao.
Ngoài việc ban hành các đạo luật cấm, hạn chế sử dụng rượu bia nơi công cộng, các công ty vận tải cũng đã cố gắng giảm thiểu các hành vi quấy rối hành khách và các hành vi phá hoại khác bằng cách cấm uống rượu trên phương tiện công cộng. Nguyên nhân là do những người quá say xỉn có thể gây nguy hại cho bản thân và người khác không nên sử dụng phương tiện công cộng.
Những quy định này đã được mở rộng ở một số thành phố của Đức, dẫn đến việc sử dụng rượu trên phương tiện giao thông bị cấm, như ở Rheinbahn, hệ thống giao thông của Stuttgart, cũng như các công ty vận tải München, Nünrberg, Duisburg... Ngày 1/7/2011, lệnh cấm tiêu thụ rượu được áp dụng tại nhà ga trung tâm Hanover. Trong hiệp hội vận tải Hamburg, quy định này được quán triệt đến hầu hết các công ty vận tải từ 1/9/2011, song vẫn có một số ngoại lệ trên các tuyến phà và các đoàn tàu của Nordbahn và các đoàn tàu của DB Regio... Một số thành phố cũng ban hành lệnh cấm uống trên các phương tiện giao thông, nhà ga trung tâm vào cuối tuần (Nürnberg, München...).
Mặc dù việc tiêu thụ rượu phần lớn là hợp pháp ở châu Âu, song độ tuổi tối thiểu mà các nhà lập pháp cho phép sử dụng rượu, có thể thay đổi theo luật bảo vệ thanh thiếu niên từng nước. Ở Đức, quy định về độ tuổi tối thiểu được phép uống rượu bia được nêu rõ trong Luật Bảo vệ trẻ vị thành niên (Jugendschutz - JuSchG). Với JuSchG, nhà nước đã đưa ra quy định cho các nhà hàng, cửa hàng và nhân viên bán hàng để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước các tác hại của rượu bia, thuốc lá, phim ảnh, trò chơi trên máy tính, cũng như đưa ra những điều kiện cụ thể và khi nào những người trẻ tuổi được phép ở lại nhà hàng và vũ trường.
Theo JuSchG, người từ 16 tuổi trở lên được phép sử dụng đồ uống nhẹ như bia và rượu vang, từ 18 tuổi trở lên được phép sử dụng đồ uống hỗn hợp và rượu mạnh. Tuy nhiên, giới hạn về độ tuổi với các đồ uống nhẹ có thể thay đổi khi trẻ em, vị thành niên đi kèm với bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp như từ 14 tuổi trở lên, có thể uống các đồ uống nhẹ như bia, rượu vang hoặc vang sủi với điều kiện có sự đồng ý của người lớn đi kèm. Luật Bảo vệ thanh thiếu niên cấm trẻ em dưới 14 tuổi uống rượu bia.
Việc phân phối và tiêu thụ đồ uống có cồn và thực phẩm ở nơi công cộng có liên quan đến giới hạn độ tuổi theo luật định. Tại các nhà hàng, cửa hàng, quầy đồ uống công cộng hoặc những nơi công cộng khác, người bán hàng phải kiểm tra tuổi của khách hàng nếu nghi ngờ. Bằng chứng về độ tuổi phải được cung cấp theo yêu cầu một cách phù hợp, ví dụ như ID có ảnh hợp lệ. Trong trường hợp vi phạm các quy tắc và quy định, thương nhân và nhà tổ chức có thể bị phạt tiền lên đến 50.000 euro (56.766 USD). Họ thậm chí có thể bị phạt tù trong trường hợp nghiêm trọng.
Ở Đức, chủ đề "rượu trong giao thông" là chủ đề đặc biệt quan trọng bởi nguy cơ tai nạn tăng ngay cả với một lượng rượu nhỏ. Nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05miligam, người cầm lái sẽ bị phạt 500 euro (568 USD) và cấm lái xe trong 1-3 tháng tiếp theo. Ngoài ra, mức độ nghiêm khắc của hình phạt sẽ tăng dần lên cùng với số lần vi phạm, và trong trường hợp nghiêm trọng nhất, người lái xe sẽ bị cấm lái suốt đời. Đối với người mới lái xe, trong thời gian thử thách 2 năm sau khi vượt qua sát hạch tay lái, luật quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu bia trong khi lái xe. Nếu vi phạm dưới mức 0,05miligam, họ sẽ bị phạt ít nhất 250 euro (284 USD) và thời gian thử thách sẽ bị kéo dài hoặc người mới lái xe phải học lại.
Ngoài ra, với nồng độ cồn trong máu cao vượt quá mức, lái xe cơ giới (xe hơi, xe máy và xe tay ga) bị coi là vi phạm pháp luật và bị cấm lái xe cũng như phạt tiền nặng. Lái xe gây tai nạn do ảnh hưởng của rượu có thể bị coi là tội phạm hình sự, thậm chí bị phạt tù.
Đối với ngành quảng cáo rượu bia, đồ uống có cồn, luật pháp Đức cấm hoặc hạn chế quảng cáo đồ uống có cồn trong nhiều phương tiện. Năm 2009, Hội đồng Quảng cáo Đức đưa ra quy tắc ứng xử về truyền thông thương mại đối với đồ uống có cồn, dựa trên các nguyên tắc: không khuyến khích trẻ em, thanh thiếu niên, vận động viên thi đấu, lái xe hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe uống rượu; không khuyến khích quảng cáo trên phương tiện truyền thông có phần biên tập chủ yếu nhắm vào trẻ em hoặc thanh thiếu niên; không quảng cáo trên áo cho trẻ em và các đội tuyển trẻ, các hoạt động liên quan trực tiếp đến trẻ em và thanh thiếu niên; không đưa ra những tuyên bố về việc loại bỏ, giảm bớt hoặc ngăn ngừa bệnh tật... Quy tắc của Hội đồng Quảng cáo Đức về quảng cáo thương mại với đồ uống có cồn sẽ vẫn tiếp tục được cập nhật năm 2018.
Năm 2010, Đức ban hành quy định các quảng cáo thương mại với rượu bia chỉ được hiển thị trong các phương tiện in (tờ quảng cáo), các chương trình phát thanh và truyền hình phải hướng tới ít nhất 70% đối tượng khách hàng trên 18 tuổi. Năm 2014, nước này đã cho phép quảng cáo thương mại trực tuyến với điều kiện bảo vệ trẻ vị thành niên. Cụ thể, các sản phẩm quảng cáo liên quan đến đồ uống có cồn phải tuân thủ Luật Bảo vệ thanh thiếu niên. Điều này đồng nghĩa với việc phải có cơ sở để kiểm tra việc đặt hàng trực tuyến rượu mạnh và các đồ uống có cồn với khách hàng là người lớn, có địa chỉ, tuổi rõ ràng.
Trong khi đó, việc sản xuất rượu tư nhân bị cấm từ 1/1/2018. Từ thời điểm này, sản xuất rượu bia bằng cách chưng cất ở Đức chỉ được phép tiến hành trong các nhà máy sản xuất, tư nhân không được phép sản xuất, chưng cất rượu, kể cả trường hợp ngoại lệ trước đây cho phép tư nhân sử dụng thiết bị chưng cấp nhỏ (Kleindestilliergeräten) với công suất 0,5 lít. Việc khai thác, thanh lọc rượu tư nhân bằng cách chưng cấp do đó không được chấp nhận ở Đức (rượu ngâm, chưng cất từ ngâm trái cây). Theo quy định trên, việc sở hữu và sử dụng các thiết bị chưng cất, sản xuất, nhiên liệu, thiết bị đốt, làm sạch ... phải có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền (cơ quan hải quan) và cơ quan này có trách nhiệm giám sát việc sử dụng các thiết bị.