“Thật khó khăn vì nhiều ngôi nhà đã bị bão Yinxing tàn phá. Người dân vẫn đang phải tự sửa nhà. Thật khó để tìm được thợ”, bà Moraleda cho biết.
Usagi là cơn bão lớn thứ 5 đổ bộ vào Philippines chỉ trong ba tuần. Cơn bão thứ sáu dự kiến đổ bộ vào quốc đảo này trong cuối tuần này. Ít nhất 160 người đã thiệt mạng và 9 triệu người phải sơ tán. Tần suất bất thường của những cơ bão khiến người dân vốn đã phải vật lộn với hậu quả của những trận mưa lớn và lũ lụt trước đó không có nhiều thời gian để chuẩn bị cho trận bão tiếp theo.
Bà Moraleda cho biết thật may mắn khi lỗ thủng nằm phía trên phòng chứa đồ của căn nhà, không phải phòng ngủ. Nhưng trần nhà đã bị dột nước, làm hỏng hộp thuốc gia đình ở tầng dưới. Bà cho biết thiệt hại đối với những ngôi nhà khác tồi tệ hơn nhiều. Gần đó, mái tôn của một trường đại học đã bị thổi bay và rơi xuống một nhà thờ.
Người dân ở tỉnh Cagayan đã quen với bão, nhưng bà Moraleda cho biết họ không ngờ đến sự tấn công của Yinxing, Usagi. Họ lo lắng vì các cơn bão nằm trên cùng một đường đi và cùng là bão cấp 4.
“Đây là cơn bão thứ 5 tấn công chúng tôi trong ba tuần. Chúng tôi không có thời gian để chuẩn bị giữa các cơn bão”, bà Moraleda cho biết. Tháng trước, cơn bão Kong-rey và bão Trami – cơn bão chết chóc nhất trong lịch sử – cũng đã tàn phá tỉnh này.
Philippines có thể hứng chịu 20 cơn bão mỗi năm. Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng tần suất xuất hiện các cơn bão nhiệt đới dữ dội và có sức tàn phá rất lớn nhất (mặc dù tổng số cơn bão mỗi năm không thay đổi trên toàn cầu). Nguyên nhân là do đại dương ấm lên cung cấp nhiều nguồn năng lượng hơn, tạo ra những cơn bão mạnh hơn.
Mỗi khi bão ập đến, hàng trăm nghìn cư dân bị ảnh hưởng, nhiều người trong số họ có thể phải sơ tán. Tại quốc gia này, giới chức cũng ghi nhận các trường hợp tử vong và thương tích do đuối nước, điện giật, lũ lụt, lở đất và các sự cố hàng hải trước, trong và sau bão.
Nhà cửa và cơ sở hạ tầng công cộng, như đường sá, sân bay và cảng biển, cũng như mùa màng và vật nuôi bị hư hại. Điện, nước và đường dây liên lạc bị gián đoạn. Các nỗ lực cứu trợ tốn kém và các lớp học bị đình chỉ.
Trong khi bão Usagi đổ bộ vào Cagayan, bão nhiệt đới Manyi cũng đang tiến gần đến Philippines vào tối ngày 15/11. Dù cách xa hàng trăm km về phía Nam, cơn bão này dự kiến sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho khu vực Bicol ở Luzon, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bão Trami hồi tháng trước.
Bão Trami đã gây ra những trận mưa như trút nước vào cuối tháng 10, nhấn chìm một số khu vực ở Luzon.
Hầu như toàn bộ tài sản của Rafy Mago và gia đình anh đã bị mất trắng khi nước lũ tràn vào tầng hai ngôi nhà của họ tại thành phố Naga, Bicol. Thật kỳ diệu, tủ lạnh của gia đình anh đã hoạt động trở lại, nhưng mọi đồ vật khác - bao gồm các thiết bị, đồ đạc, quần áo và các tài liệu quan trọng - đều không còn sử dụng được.
“Đó là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời chúng tôi. Mặc dù chúng tôi đã quá quen với bão, thậm chí là lũ lụt, nhưng chúng tôi chưa từng nghĩ đến mức thiệt hại này”,anh Magno cho biết.
Bão Trami đã cướp đi sinh mạng của 17 người dân ở Bicol, nhưng nhiều người cho biết số ca tử cong do bão còn nhiều hơn. Trong tuần này, thi thể của một sinh viên mất tích trong cơn bão đã được tìm thấy.
“Khi bão Manyi sắp đổ bộ, tôi đã nói với gia đình rằng lần này chúng tôi sẽ phải mang tủ lạnh lên tầng hai”, anh Magno nói.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cũng thừa nhận ông cảm thấy “ngợp” trước những thách thức của thời tiết khắc nghiệt. Trong đoạn video lan truyền trên mạng, Tổng thống Marcos nói rằng: “Tôi cảm thấy hơi bất lực sau khi thấy rằng viện trợ của chính phủ không thể vượt qua những xa lộ ngập lụt. Hy vọng bão Manyi sẽ không tệ như vậy. Đó là điều chúng tôi đang cầu nguyện”.
Tại Metro Manila, ông Alvin Sevilla cũng đang lo lắng về bão Manyi. Ông sống tại thành phố Malabon dễ bị ngập lụt và dựa trên kinh nghiệm trước đây, ông biết rằng những cơn bão đổ bộ Bicol thường cũng sẽ tấn công thủ đô.
Bà Mitzi Jonelle Tan, một nhà hoạt động vì công lý khí hậu người Philippines, cho biết biến đổi khí hậu là điều không thể phủ nhận.
“Nếu bạn vẫn không nghĩ rằng biến đổi khí hậu tồn tại, hãy nhìn vào nước láng giềng của bạn, hãy nhìn vào đất nước của bạn. Nó đang hiện diện trên khắp thế giới”, bà nói.
Philippines không phải là nguồn phát thải khí nhà kính chính gây biến đổi khí hậu, nhưng là một quần đảo, đây là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước những tác động đó.
Bà Tan cho biết các cơn bão ở Philippines đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu Cop29 diễn ra vào tuần này tại Azerbaijan.
Các cơn bão đổ bộ liên tục cũng làm cạn kiệt ngân sách của chính phủ với chu kỳ phá hủy và tái thiết liên tục. Trong khi đó, nhiều tỉnh nằm trên đường đi thông thường của bão, như Bicol, cũng nằm trong danh sách những tỉnh nghèo nhất.
Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Philippines Rex Gatchalian cho biết chính phủ đã gửi gần 1,5 triệu gói thực phẩm cho các gia đình trong 14 ngày tại Bicol sau khi bão Trami đổ bộ. Bộ của ông cũng đang phản ứng với bão Usagi trong khi chuẩn bị cho bão Manyi.
“Tiền không phải là vấn đề. Thách thức là duy trì hoạt động cứu trợ ra sao vì rõ ràng người dân đang rất mệt mỏi”, ông Gatchalian cho biết.
Ngoài các hoạt động cứu trợ, bà Tan cho biết chính phủ nên ban hành các chính sách giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Bà kêu gọi Chính phủ Philippines dừng các dự án phá hoại môi trường - như khai thác mỏ và khai thác đá quy mô lớn, tài trợ cho nghiên cứu về khả năng thích ứng cụ thể đối với Philippines. Đồng thời bà cho rằng đất nước nên chuyển sang năng lượng tái tạo, trong khi phải đảm bảo rằng những người làm việc trong ngành nhiên liệu hóa thạch được cung cấp các phương tiện sinh kế thay thế.
“Những cơn bão sẽ tiếp tục ập đến trong khoảng thời gian ngắn vì cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn đang diễn ra. Nhưng tác động của mỗi cơn bão không nhất thiết phải tàn khốc như hiện nay”, bà nói.
Video Gió mạnh và sóng lớn trên sông khi bão Usagi đổ bộ vào Philippines (Nguồn Reuters):