Cờ màu đen của IS xuất hiện trong video của Abu Sayyaf với 4 con tin trong đó có công dân người Canada John Ridsdel (hàng dưới thứ hai từ phải sang). |
Nhiều tháng trời trước khi phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf hành quyết con tin người Canada John Ridsdel tại khu rừng ở miền Nam Philippines, một video trong đó có hình ảnh của nạn nhân và 3 con tin khác cầu cứu chính phủ trả tiền chuộc đã được phát tán. Việc bắt cóc du khách người nước ngoài không phải là chưa từng có tiền lệ ở Philippines nhưng trong vụ việc này lại nảy sinh 2 yếu tố mới.
Thứ nhất, trong đoạn video xuất hiện vào tháng 11/2015 này có xuất hiện hai lá cờ màu đen với biểu tượng của IS phấp phới sau các tay súng phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf.
Tiếp đó, khi thời hạn nộp tiền chuộc kết thúc vào ngày 25/4, phiến quân Abu Sayyaf lập tức hành quyết con tin 68 tuổi Ridsdel. Đây được coi là động thái bất thường mang tính manh động bởi từ trước tới nay, Abu Sayyaf thường kiên nhẫn chờ đợi tiền chuộc con tin do vấn đề tiền bạc luôn được đặt lên hàng đầu đối với nhóm phiến quân không dư dả này.
Chính điều này đã khiến Philippines phải tự chất vấn rằng liệu từ trước tới nay họ đã đơn giản hóa các nhóm phiến quân Hồi giáo chỉ là những tên bắt cóc đơn thuần. Bên cạnh đó, phải chăng Philippines đã trở thành một quốc gia bị vòi bạch tuộc của IS tại Iraq và Syria chạm tới?
Chính phủ Philippines từng nhiều lần khẳng định rằng IS chưa hề đặt chân tới miền Nam nước này, nơi tập trung phần đông người theo đạo Hồi ở quốc gia có 80% dân số là người Công giáo này.
Sau cái chết của công dân Canada Ridsdel, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong 2 tháng tới, đã nhắc tới tiền sử các cuộc tấn công máu lạnh của phiến quân Abu Sayyaf và gọi nhóm này là những kẻ ngoài vòng pháp luật. Ông Aquino cũng nhận định rằng Abu Sayyaf là “kẻ cơ hội” muốn kết thân với IS để lợi dụng về mặt tiền bạc.
Tháng 11/2015, các tay súng của Abu Sayyaf đã thủ tiêu một con tin người Malaysia mặc dù vẫn đang trong thời gian thương lượng tiền chuộc. Vụ việc xảy ra trùng với thời điểm Philippines là nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Rodolfo Mendoza, một cảnh sát về hưu dày dặn kinh nghiệm hiện đang là cố vấn cho chiến dịch chống khủng bố ở Philippines cho biết làn sóng bắt cóc cùng những cuộc hành quyết con tin gần đây là dấu hiệu cho thấy phiến quân Hồi giáo ở Philippines đang muốn gây ấn tượng và thể hiện cho IS thấy chúng có thể là một “phụ tá” tốt.
Điều này đã từng diễn ra trong quá khứ, Abu Muslim - một cựu thành viên của Abu Sayyaf nhưng hiện nay đang hợp tác với chính phủ Philippines, tiết lộ rằng sau vụ khủng bố 11/9/2001, Abu Sayyaf cũng đã ngỏ ý được hợp tác với Al-Qaeda nhưng bất thành.
Ahmed Hashim, chuyên gia quốc phòng và chống khủng bố tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cảnh báo rằng tuy các nước châu Âu và Trung Đông đối mặt nhiều hơn với đe dọa từ IS thì Đông Nam Á hiện cũng đang nằm trong thời điểm dễ bị tổn thương.
Hàng trăm đối tượng cực đoan người Malaysia và Indonesia đã tới Iraq và Syria trong vài năm trở lại đây để được vào hàng ngũ của IS. Còn có thông tin chưa được kiểm chứng cho biết nhiều công dân Philippines cũng đã gia nhập IS.
Tuy nhiên đối với nhiều chuyên gia, Abu Sayyaf vẫn là nhóm khủng bố nguy hiểm và trong thời gian tới có thể tiến hành nhiều cuộc tấn công “khủng khiếp” đối với người dân thường.
Trước khi bị bắt cóc tại đảo Samal, Ridsdel đã viết lên trang mạng xã hội cá nhân dòng cảm nghĩ dường như dự báo về tương lai u ám sắp ập đến với ông: “Chỉ với cơn gió nhẹ, cảm giác như con tàu đang bay lướt trên không trung thay vì dập dờn trên sóng. Mọi thứ quá tuyệt vời nhưng có thể bạn sẽ gặp phải cơn gió mạnh trong cơn bão”.