Phát triển năng lượng tái tạo - mục tiêu quan trọng của Nhật Bản

Ngày 25/6, nhóm RE100 đã hối thúc Nhật Bản cập nhật mục tiêu tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo, cụ thể là từ 121 gigawatt (GW) vào năm 2022 lên 363 GW trước năm 2035, khi nước này dự kiến công bố Kế hoạch năng lượng chiến lược vào cuối năm nay.

Nhóm RE100, gồm hơn 400 doanh nghiệp lớn, trong đó có 87 doanh nghiệp Nhật Bản như Sony và Panasonic, đã cam kết hướng tới sử dụng hoàn toàn điện tái tạo. Theo RE100, bằng cách tăng công suất năng lượng tái tạo trong nước, Nhật Bản có thể cải thiện đáng kể an ninh năng lượng, bảo vệ khả năng cạnh tranh quốc tế và tăng cường đầu tư tư nhân vào nhiều dự án năng lượng tái tạo hơn. 

RE100 được nhóm Khí hậu phi lợi nhuận quốc tế và tổ chức phi chính phủ Dự án công bố Carbon (CDP) thành lập cách đây 10 năm, nhằm theo dõi và đánh giá cam kết của các công ty về khí hậu.

Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tháng 12/2023, gần 120 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, đã cam kết tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo của thế giới trong vòng 7 năm. Nhưng theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) từ năm 2022, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện của các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vẫn ở mức thấp nhất, trong đó tại Nhật Bản là 22,6%.

Chính phủ Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng vẫn chưa ấn định thời điểm loại bỏ nhiệt điện than tại cuộc họp về khí hậu gần đây của các bộ trưởng G7, thậm chí còn đề xuất sử dụng công nghệ để thu hồi hoặc hạn chế khí thải thay vì “giảm bớt” loại năng lượng này.

Trước khi sửa đổi chiến lược năng lượng, Nhật Bản đã đưa ra 6 khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện “mức độ sẵn có, khả năng tiếp cận và chi phí hợp lý của năng lượng tái tạo”. Nhật Bản vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, một phần vì nhiều lò phản ứng hạt nhân đã ngừng hoạt động từ sau sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima năm 2011.

Trong khi đó, tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) quyết định đầu tư 200 tỷ yen (1,3 tỷ USD) để thiết lập các cơ sở sản xuất pin trên khắp Nhật Bản nhằm lưu trữ năng lượng dư thừa từ các trang trại điện gió hoặc điện Mặt Trời.

Sumitomo đã lắp đặt một cơ sở lưu trữ công suất 6 MWh dọc theo tuyến đường sắt Kyushu ở quận Kumamoto. Kế hoạch của Tập đoàn là xây dựng thêm các cơ sở ở khu vực Kyushu để tăng tổng công suất lưu trữ lên 40 MWh. Ngoài việc bán điện trực tiếp cho các nhà máy bán dẫn sử dụng nhiều điện năng trong khu vực, mạng lưới sẽ cung cấp điện cho lưới điện địa phương.

Sumitomo cũng có kế hoạch phát triển mạng lưới pin lưu trữ năng lượng tương tự ở những nơi khác, chẳng hạn như ở Hokkaido và vùng Tohoku phía Đông Bắc Nhật Bản. Tổng công suất trên toàn quốc sẽ đạt tới 2 GWh vào tháng 3/2031.

Dự án trị giá 200 tỷ yen của tập đoàn Sumitomo sẽ là một trong những khoản đầu tư lớn nhất tại Nhật Bản vào việc lưu trữ năng lượng tái tạo bằng pin.

Hồi tháng 5/2024, một trong những công ty điện tử hàng đầu Nhật Bản là NEC thông báo đã bắt đầu vận hành các trung tâm dữ liệu sử dụng toàn bộ nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở tỉnh Kanagawa và thành phố Kobe, tỉnh Hyogo.

Công ty cho biết, số tiền đầu tư cho mỗi dự án là 20 tỷ yen (khoảng 130 triệu USD). Với các trung tâm dữ liệu mới, NEC sẽ đáp ứng nhu cầu của những khách hàng muốn giảm lượng khí thải CO2 trong hoạt động kinh doanh thông qua việc áp dụng “chứng chỉ phi hóa thạch” - chứng nhận rằng điện không có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch mà tự sản xuất từ năng lượng Mặt Trời.

Đây là lần đầu tiên NEC xây dựng trung tâm dữ liệu chỉ hoạt động bằng năng lượng tái tạo. Trong tương lai, công ty cũng sẽ xem xét sử dụng “điện xanh” - nguồn điện được tạo ra từ năng lượng tái tạo và truyền trực tiếp từ một địa điểm ở xa đến điểm có nhu cầu.

Minh Hằng (TTXVN)
Đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Australia ngày càng tăng 
Đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Australia ngày càng tăng 

Theo báo cáo hàng quý do Hội đồng Năng lượng sạch Australia vừa mới công bố, hoạt động đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo lớn ở nước này đã phục hồi trở lại trong quý I/2024 sau khi xuống mức thấp vào năm 2023, song Australia cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ đầu tư để đạt được mục tiêu năng lượng sạch vào năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN