Pháp thúc đẩy tái thiết Eurozone

Pháp cho rằng Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã không được trang bị đầy đủ để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, cũng như để đầu tư cho tương lai. Từ quan điểm này, ngày 13/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thực hiện kế hoạch tái thiết mới, nhằm tháo gỡ những thách thức của các thập kỷ tới.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, với nhận định rằng EU chưa có "chính sách kinh tế phù hợp với những thách thức và môi trường hiện nay", Tổng thống Macron đánh giá Eurozone đã bước đi "chậm như rùa" về mặt chủ quyền kinh tế và tài chính.

Nguồn cơn của sự thất vọng này, đầu tiên là do nhiều đối tác thiếu ý chí chính trị trong việc xây dựng "trụ cột thứ ba của liên minh ngân hàng", dự án nhằm tạo ra một sự đảm bảo tiền gửi ngân hàng để tránh hoảng loạn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính.

Tiếp đó, khác xa với tham vọng ban đầu của Pháp, ngân sách của Eurozone bị hạn chế về khối lượng cũng như các nhiệm vụ. Tổng thống Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải có một ngân sách đủ mạnh, hoặc ngân sách đó phải được phép huy động một số nguồn vốn bên ngoài.

Trong đề xuất thỏa hiệp mới nhất về ngân sách đa quốc gia giai đoạn 2021-2027, Phần Lan dự kiến gói 14 tỷ euro cho công cụ ngân sách hội tụ và năng lực cạnh tranh (BICC). Paris thì nhắm tới mục tiêu tối thiểu là 17 tỷ euro theo kế hoạch của Ủy ban châu Âu, tuy vẫn hy vọng sẽ thu hút thêm sự đóng góp của các quốc gia thành viên trong khuôn khổ của một thỏa thuận đặc biệt.

Tổng thống Pháp tin rằng việc ông Charles Michel, cựu Thủ tướng Bỉ, được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu, sẽ tạo ra động lực mới cho các cuộc thảo luận liên quan đến các vấn đề Eurozone. Theo ông Macron, khu vực đồng euro đang sử dụng tích lũy tiền tiết kiệm "để bù đắp cho thâm hụt ngày càng tăng của Mỹ".

Điều vô lý hơn nữa là Eurozone vẫn áp dụng "các cơ chế của đầu những năm 90 của thế kỷ trước, không còn phù hợp với những thách thức đầu tư cũng như môi trường lãi suất thấp" hiện nay. Tổng thống Macron kêu gọi bỏ qua "những tiêu chí siêu khoa học và thậm chí không kinh tế" - ám chỉ giới hạn 3% thâm hụt ngân sách công - để khởi động kế hoạch tái thiết mới.

Điều cốt lõi vẫn phụ thuộc vào việc ngân sách của EU có hay không cho phép tài trợ cho chương trình nghị sự đầy sôi động trong 7 năm tới. Theo Tổng thống Macron, một điều rõ ràng là EU phải có một ngân sách bảo vệ biên giới, kỹ thuật số, quốc phòng và biên giới đầy tham vọng.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, toàn bộ các chuyên gia phụ trách dự án ngân sách sẽ phải lập kế hoạch cho một số chương trình (không gian, quốc phòng...) trong khi khai thác những công nghệ kỹ thuật số mới mà không tăng trần chung.

Cố định ở mức 1,07% thu nhập của châu Âu, ngân sách dự kiến cho giai đoạn 2021-2027 sẽ vẫn thấp như 25 năm qua. Theo các nhà phân tích, ngân sách thấp sẽ không đủ để EU triển khai các kế hoạch đầy tham vọng, như cam kết mới đây sẽ trở thành khu vực trung hòa khí carbon đầu tiên trên thế giới.

Linh Hương (TTXVN)
Eurozone nhất trí các chi tiết của một 'tiểu ngân sách' cho khu vực
Eurozone nhất trí các chi tiết của một 'tiểu ngân sách' cho khu vực

Các Bộ trưởng Tài chính của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ngày 10/10 nhất trí các nội dung cơ bản của một tiểu ngân sách Eurozone, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tham vọng mà Tổng thống Pháp đề xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN