Theo thống kê của châu Âu, vào đầu năm nay, Paris đã tăng mạnh mua khí hóa lỏng (LNG) của Nga, đạt mức cao mới kể từ tháng 11/2022. Vào tháng 1 năm nay, Pháp đã chi 293 triệu euro mua LNG từ Nga, trong khi vào tháng 12 năm ngoái, số tiền mua hàng lên tới 244 triệu euro.
Các nước EU khác đã tăng nhập khẩu nhiên liệu trên từ Nga ở mức độ thấp hơn, nhưng tổng khối lượng cung cấp đã đạt mức cao trong 10 tháng qua. Tây Ban Nha chứng kiến mức mua hàng cao kỷ lục, khiến giá thành LNG của Nga tăng gấp 1,7 lần. Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển, Litva và Phần Lan mua với khối lượng nhỏ hơn.
Tờ Lemonde của Pháp cũng xác nhận rằng châu Âu tăng cường nhập khẩu khí đốt Nga bằng đường biển, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine. Đáng ngạc nhiên hơn, sau khi xung đột bùng nổ và mặc dù Điện Kremlin đã giảm đáng kể việc cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống, lượng LNG được vận chuyển bằng đường biển vẫn tăng mạnh so với mức trước xung đột.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu giải thích rằng tình hình đã "thay đổi thực sự đáng kể". Năm 2021, các nước EU đã nhận được hơn 150 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên của Nga, chiếm 45% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu, hầu hết đều qua đường ống. Theo đánh giá ban đầu, lượng mua khí đốt từ các công ty Nga dường như đã giảm xuống còn khoảng 25 tỷ mét khối trong 7 tháng đầu năm 2023: 15% lượng nhập khẩu – một nửa trong số đó hiện ở dạng LNG.
Dù xuất khẩu thấp hơn Mỹ và Qatar, Nga cũng được hưởng lợi khi Pháp và châu Âu ngày càng dùng nhiều LNG. Một nghịch lý lớn là vào tháng 3/2022, EU đã chuyển sang LNG để đa dạng hóa nguồn cung, nhằm giảm phụ thuộc Nga. Thierry Bros, một giảng viên tại Sciences Po chuyên về các vấn đề năng lượng, đã chỉ trích một số hành vi mơ hồ của Ủy ban châu Âu, trong khi Ủy viên Năng lượng Estonia Kadri Simson thừa nhận: “EU có thể và phải loại bỏ khí đốt của Nga càng sớm càng tốt”.