Pháp muốn dùng voucher để đối phó với khủng hoảng thực phẩm

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa nhấn mạnh cam kết sẽ cấp cho các gia đình đang gặp khó khăn phiếu thực phẩm (voucher) trong bối cảnh giá khí đốt và vật liệu thô tăng cao vì chiến sự tại Ukraine.

Chú thích ảnh
Thế giới đang phải đối mặt với một khủng hoảng thực phẩm toàn cầu. Ảnh: Getty Image

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Bleu của Pháp ngày 22/3, Tổng thống Macron cho biết thế giới đang phải đối mặt với một “khủng hoảng thực phẩm toàn cầu”.

Nhấn mạnh Pháp đã khuyến cáo các quốc gia châu Âu đồng minh cùng nhau đưa ra một "giải pháp phối hợp" cho vấn đề này, nhà lãnh đạo Pháp nói chính phủ của ông đã thực hiện một số biện pháp, bao gồm giảm giá nhiên liệu để hỗ trợ người dân trong nước.

“Tôi muốn áp dụng chương trình phiếu thực phẩm để giúp các hộ nghèo và thuộc tầng lớp trung lưu trước tình cảnh vật giá leo thang”, Tổng thống Macron nói thêm mong muốn người dân hãy mua các sản phẩm địa phương và sản xuất trong nước.

Sáng kiến phiếu thực phẩm trở thành một trong những cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Macron. Tuy nhiên, chi tiết về chương trình hỗ trợ thực phẩm như đối tượng nhận phiếu, loại sản phẩm nào được áp dụng, số tiền hỗ trợ là bao nhiêu vẫn chưa được tiết lộ. 

Theo kết quả các cuộc thăm dò mới nhất, ông Emmanuel Macron vẫn là ứng cử viên sáng giá nhất khi tỷ lệ ủng hộ tăng mạnh trong những tuần gần đây.

Nga và Ukraine là hai trong số nguồn cung thực phẩm lớn nhất thế giới. Theo Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), hai quốc gia này chiếm tới 53% và 27% giao dịch toàn cầu về dầu hướng dương và lúa mì.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cho hay lạm phát thực phẩm “dự kiến duy trì mức cao trong suốt năm 2022” do giá hàng hóa cao trong khi giá gas và điện “tăng bất thường”.

Ủy ban châu Âu hiện xem xét các biện pháp để có thể tăng cường an ninh lương thực cho EU.

UNCTAD khẳng định tất cả các quốc gia chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng do xung đột gây ra. Việc tăng giá lương thực và nhiên liệu “sẽ ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước đang phát triển, gây sức ép lên các gia đình nghèo dành phần lớn thu nhập cho lương thực”, tổ chức cảnh báo.

Bảo Hà/Báo Tin tức
‘Kế sách’ bình ổn giá lương thực của một số nước châu Á trước biến động Ukraine
‘Kế sách’ bình ổn giá lương thực của một số nước châu Á trước biến động Ukraine

Giá dầu thô và nhiều sản phẩm nông nghiệp gia tăng bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine dẫn đến lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Do đó, chính phủ nhiều nước châu Á đã áp dụng hàng loạt biện pháp đặc biệt nhằm giữ kiểm soát giá cả và nguồn cung thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN