Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào đầu năm 2021 là một trong những hoạt động hậu cần lớn nhất và phức tạp nhất từng được triển khai trên lãnh thổ Pháp. Sự khởi đầu chậm chạp của chiến dịch, so với một số nước láng giềng lớn, đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi. Chính phủ Pháp đã phải thừa nhận khiếm khuyết này và nhanh chóng tăng tốc tiêm chủng. Trên thực tế, chuỗi cung ứng quốc gia đang phải đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp. Các kênh đặt lịch hẹn trực tuyến và qua điện thoại đôi khi trở nên quá tải, trong khi việc quản lý chuỗi cung ứng vaccine -vốn là mấu chốt thành công của chiến dịch- lại vấp phải nhiều khó khăn.
Hiện tại vấn đề lớn nhất là số lượng vaccine cần thiết để tiến hành tiêm chủng trên diện rộng. Mặc dù đã cam kết cung cấp 500.000 liều vaccine/tuần, song hãng Pfizer vừa thông báo sẽ tạm thời giảm một nửa số lượng giao hàng, trong khi chờ nâng cấp nhà máy ở Bỉ. Một thách thức khác là vaccine này phải được bảo quản trong tủ cấp đông siêu lạnh ở nhiệt độ -70°C. Trong khi chiến dịch ở Đức tập trung vào khoảng 440 trung tâm, thì Pháp có gần 7.500 điểm tiêm chủng, bao gồm cả các viện dưỡng lão.
Nhiều chuyên gia tin tưởng rằng Pháp sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng cho 1 triệu người vào cuối tháng 1.
* Tại Na Uy, chính quyền ngày 18/1 khẳng định không có mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech với các ca tử vong sau tiêm phòng, song khuyến nghị các bác sĩ cân nhắc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi tiêm.
Kể từ khi Na Uy bắt đầu chiến dịch tiêm phòng vào cuối tháng 12/2020, nước này có 33 ca tử vong trong số những người cao tuổi được tiêm mũi đầu của vaccine. Giám đốc Viện Y tế công Na Uy nêu rõ trong số 13 trường hợp được phân tích chi tiết, họ đều là những người cao tuổi, sức khỏe yếu và mắc các bệnh nghiêm trọng. Mặc dù vẫn chưa có phân tích về nguyên nhân tử vong, song trung bình mỗi ngày Na Uy có khoảng 45 ca tử vong tại các nhà dưỡng lão, điều này cho thấy số ca tử vong trên không liên quan đến việc tiêm vaccine.
Cho đến nay, Na Uy đã tiêm phòng được cho hơn 48.000 người.
* Trong khi đó, Thụy Điển đã bắt đầu tiêm phòng mũi thứ 2 vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh sau đợt nghỉ lễ cuối năm.
Liều thứ 2 trong vaccine ngừa COVID-19 đã bắt đầu được phân phối tại đảo Gotland của Thụy Điển vào sáng 18/1. Trong khi đó, tại khu vực Vastra Gotaland, ở vùng duyên hải phía Tây Thụy Điển, 425 người được tiêm mũi đầu tiên vào ngày 27/12/2020 sẽ được tiêm mũi thứ 2 trong tuần này.
Tính đến ngày 10/1, Thụy Điển có gần 80.000 người được tiêm phòng. Cơ quan Y tế công Thụy Điển nêu rõ các nhóm được ưu tiên tiêm phòng bao gồm những người trong độ tuổi từ 70 trở lên và những người trong các nhóm có nguy cơ cao khác. Tính đến ngày 15/1, Thụy Điển đã có tổng cộng 523.486 ca nhiễm và 10.323 ca tử vong do COVID-19.
* Tương tự, Tây Ban Nha cũng bắt đầu tiêm mũi thứ hai cho các cư dân tại nhà dưỡng lão để ứng phó với số ca nhiễm mới tăng nhanh. Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, tính đến sáng 19/1, có 8 trong tổng số 17 vùng tại nước này đã tiến hành tiêm phòng mũi thứ 2.
Số ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha đã tăng cao sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh với gần 84.300 ca nhiễm mới trong ngày 18/1, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.336.451 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là 53.769 ca. Bất chấp tình hình dịch bệnh và có nhiều lời kêu gọi siết chặt các biện pháp từ chính quyền địa phương, Bộ Y tế Tây Ban Nha đã loại trừ việc tái áp đặt phong tỏa toàn quốc.
* Tại Italy, cụ bà 108 tuổi Fatima Negrini đã trở thành một trong những người cao tuổi nhất thế giới được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Cụ bà đã được tiêm phòng vào ngày 18/1, cùng với nhiều cư dân khác của nhà dưỡng lão Anni Azzurri San Faustino tại Milan.
Italy đã bắt đầu tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân từ ngày 27/12/2020 và hiện đã tiêm phòng được cho 1,15 triệu người.