Số lượng vaccine trên sẽ được phân bổ và phân phối bởi sáng kiến AVAT và Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 (COVAX).
Là một cơ chế mua sắm tổng hợp, sáng kiến AVAT giúp các quốc gia thành viên AU có thể mua đủ vaccine cho ít nhất 50% nhu cầu. AVAT hợp tác chặt chẽ với sáng kiến COVAX – cơ chế với mục tiêu cung cấp 50% nhu cầu còn lại thông qua các khoản quyên góp. Africa CDC, Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (UNECA) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) đóng vai trò quản lý AVAT, trong đó Afreximbank đảm bảo nguồn cung tài chính đối với sáng kiến. AVAT đã đảm bảo được nguồn cung để tiêm chủng cho 400 triệu người (1/3 dân số châu Phi) vào tháng 9 năm sau, với chi phí 3 tỷ USD.
Trong thông cáo báo chí ngày 30/8 của Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanual Macron bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc châu Phi cần được tiếp cận công bằng với vaccine và là nhà lãnh đạo đầu tiên hoan nghênh, ghi nhận những nỗ lực của các quốc gia thành viên AU trong việc xây dựng các cơ chế tập thể như AVAT. Người đứng đầu nước Pháp đã nhiều lần gặp gỡ với ban lãnh đạo Liên minh châu Phi và hội đàm với người đồng cấp Nam Phi về việc cơ quan phát triển Pháp Proparco giúp mở rộng cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất châu Phi tại đất nước Cầu Vồng. Pháp cũng sẽ đóng góp cho Trung tâm hỗ trợ của WHO – cơ sở cho phép chuyển giao công nghệ vaccine mRNA tới châu Phi.
Tháng 4/2021, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên chia sẻ vaccine trong khuôn khổ sáng kiến COVAX, với hơn 100.000 liều dành tặng Mauritania. Chính phủ Pháp cam kết đến cuối năm 2021, nước này sẽ hỗ trợ châu Phi ít nhất 60 triệu liều vaccine COVID-19. Theo thông cáo, Tổng thống Pháp Macron cho biết giải pháp cho đại dịch sẽ chỉ đến từ sự hợp tác mạnh mẽ, giữa các bên đa phương, khu vực và quốc gia. Quan hệ đối tác vững chắc giữa Pháp và AU xây dựng dựa trên chuyên môn và tính hợp pháp chính trị của các nhà lãnh đạo châu Phi.
Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa – người tiên phong trong nỗ lực chung của AU để phòng chống COVID-19 – đánh giá việc Pháp tài trợ 10 triệu liều vaccine COVID-19 cho châu Phi là một minh chứng rõ ràng và đáng hoan nghênh về tình đoàn kết và hợp tác chính trị vào thời điểm mà thế giới cần nhất. Một châu Phi an toàn và khỏe mạnh hơn là điều kiện tiên quyết cho một thế giới an toàn và lành mạnh hơn.
Trước đó, ngày 27/8, trong khuôn khổ phiên họp “G20 gắn kết với châu Phi” diễn ra tại Đức, Tổng thống Nam Phi đã thể hiện quan ngại trước thực trạng chỉ chưa tới 2% dân số châu Phi được tiêm chủng COVID-19, trong khi con số này ở các nước phát triển là khoảng 60%.