Pháp điều tra vụ tiết lộ thông tin binh sĩ chiến đấu tại Libya

Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian vừa tuyên bố mở một cuộc điều tra "về tiết lộ bí mật quốc phòng".

Trước đó, ông Jean-Yves Le Drian đã tỏ ra tức giận trước việc thông tin về việc lực lượng đặc biệt và tình báo Pháp có mặt tại Libya đã bị nhật báo "Le Monde" (Thế giới) đăng tải trong số báo ra ngày 24/2.

Người dân Libya vây quanh một hố bom sau cuộc không kích các mục tiêu IS tại Derna, cách thủ đô Tripoli, Libya khoảng 100 km. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin thân cận với Bộ trưởng Le Drian cho biết cuộc điều tra sẽ kiểm chứng xem những thông tin được "Le Monde" tiết lộ có vi phạm các bí mật quốc phòng hay không.

Cuộc điều tra sẽ được giao cho Cơ quan Bảo vệ và An ninh Quốc phòng Pháp (DPSD) nhằm tìm ra nguồn cung cấp thông tin cho báo giới. Tại Pháp, vi phạm bí mật quốc phòng có thể bị lĩnh án 3 năm tù giam và khoản tiền phạt 45.000 euro.

Theo bài báo "Cuộc chiến bí mật của Pháp tại Libya" được đăng trên tờ "Le Monde", nhiều thành viên lực lượng đặc biệt của Pháp đang hoạt động tại Libya. Tại đây, đơn vị tác chiến của Tổng Cục An ninh đối ngoại Pháp (DGSE) đang thực hiện "nhiều chiến dịch bí mật" nhằm vào các thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tác giả bài báo trên Nathalie Guibert cho biết vụ oanh kích hồi tháng 11/2015 nhằm vào Abou Nabil, người được cho thủ lĩnh của IS tại Libya, đã được tiến hành theo thông tin do Pháp cung cấp. Pháp đã tiến hành nhiều chiến dịch nhằm vào những mục tiêu cụ thể, được chuẩn bị một cách bí mật.

Trong khi đó, Điện Elysée và Bộ Quốc Phòng Pháp liên tục khẳng định trong nhiều tháng qua, Paris không can thiệp vào Libya và luôn kêu gọi các phe đối lập Libya thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Liên quan tình hình Libya, trong báo cáo công bố ngày 25/2, Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định trong cuộc xung đột tại Libya, cả quân chính phủ lẫn phe nổi dậy, đều tra tấn, hãm hiếp, hành quyết tù nhân và tất cả các thủ phạm cần phải được đưa ra xét xử vì trong một số trường hợp có thể nói đó là những tội phạm chiến tranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (trái) thăm binh sĩ Pháp đồn trú tại Niame, CH Chad ngày 31/12/2014. Ảnh: AFP/ TTXVN

Sáu quan sát viên LHQ tuy chỉ được phép đến Libya điều tra trong một thời gian rất ngắn, nhưng đã có cơ hội thẩm vấn 200 nạn nhân và nhân chứng nhằm hoàn tất bản báo cáo nói trên. Các chuyên gia của LHQ đưa ra kết luận rằng hàng nghìn người Libya hiện vẫn còn bị giam giữ tùy tiện, là nạn nhân của các hành vi bạo lực tình dục, còn trẻ em thì bị cưỡng bức gia nhập hàng ngũ thánh chiến.

Báo cáo vừa được công bố xoáy vào những tội ác xảy ra tại Libya trong thời gian từ 2014 - 2015. Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk.

Tình trạng trên đẩy Libya vào tình trạng có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lợi dụng khoảng trống chính trị và an ninh tại Libya để mở rộng địa bàn hoạt động tại đây.

TTXVN/Tin Tức
 Mỹ không kích tại Libya để bảo vệ lợi ích phương Tây
Mỹ không kích tại Libya để bảo vệ lợi ích phương Tây

Các phần tử khủng bố ở Libya đã bị Mỹ không kích vào sáng 19/2, đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công ở bên ngoài nhằm vào các lợi ích của Mỹ và Phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN