Năm 2018, Pháp chứng kiến một sự nhảy vọt 22% về số vụ tấn công nhằm vào phụ nữ, đặc biệt là các vụ tấn công liên quan đến bạo lực tình dục.
'Những vụ phạm tội gây sốc như thế này đang gây ra một vấn đề nghiêm trọng. Theo Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb, trong năm 2016, có đến 123 phụ nữ bị chồng hoặc người yêu giết hại. Những vụ sát hại như vậy cứ 3 ngày lại xảy ra một lần… Năm nay, con số báo cáo các vụ tấn công bạo lực nhằm vào phụ nữ tăng đáng kể, tăng 22%, trong khi đó số vụ tấn công liên quan đến bạo lực tình dục 7 tháng đầu năm là 23,1%, cao hơn cùng kỳ so với năm ngoái. Tình hình rất đáng quan ngại”, Giám đốc Liên đoàn Đoàn kết Phụ nữ Quốc gia Francoise Brie trả lời Đài Sputnik.
Trích lời của Bộ trưởng Collomb, bà Brie cho biết bạo lực gia đình đang gia tăng một cách đáng kể đến mức “nhiều người phải lên tiếng đòi công bằng”. Bộ trưởng Collomb ám chỉ tới phong trào #MeToo và #BalanceTonPorc – một phong trào mà rất nhiều phụ nữ tham gia để lên tiếng công khai mình là nạn nhân của bạo lực.
“Tôi tin rằng những dữ liệu trên phản ánh vị trí chủ động của phụ nữ, hơn rất nhiều so với trước đây, bằng cách họ đang nói cho chúng ta biết chuyện gì xảy ra với họ. Họ đang kết nối với nhau, nhờ hệ thống luật pháp Pháp để khởi kiện và trừng trị những kẻ gây hại cho phụ nữ”, bà Brie nhấn mạnh.
Nhiều năm trước, các nạn nhân đều giữ im lặng, và phần lớn những kẻ cưỡng hiếp đều thân quen với nạn nhân.
Theo một khảo sát có tên "Cadre de vie et sécurité" (Môi trường sống và an ninh), thực hiện từ năm 2012 đến năm 2017, “trung bình 225.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 75 là đối tượng bị chồng/người yêu hoặc chồng/người yêu cũ tấn công bạo lực thể chất”. Tuy nhiên, chỉ có 19% sự vụ được khai báo và xét xử tại tòa.
Tình trạng này cũng xảy ra đối với các trường hợp bị bạo lực tình dục. “Trung bình, 84.000 phụ nữ độ tuổi 18-75 là nạn nhân trong các vụ cưỡng hiếp và cưỡng hiếp bất thành trong khoảng thời gian thực hiện khảo sát”. Theo bà Francoise Brie, trong 45% số vụ điều tra trên, kẻ lạm dụng là chồng/chồng cũ của nạn nhân, trong khi 46% trường hợp kẻ tấn công là người quen biết với nạn nhân. Tuy nhiên, chỉ có 9% phụ nữ khai báo với cảnh sát.
Trong một vụ việc mới nhất, một cô gái trẻ bị cưỡng hiếp tập thể bên ngoài một hộp đêm ở Toulouse. Những kẻ tấn công đã quay phim hành vi hiếp dâm và đăng lên các trang mạng xã hội, cuối cùng mới dẫn tới một cuộc điều tra từ phía cảnh sát.
Nhiều nạn nhân bị bạo hành tình dục chỉ trích cảnh sát không tiếp nhận lời khai của họ một cách nghiêm túc và thậm chí còn đổ lỗi cho nạn nhân. Tháng 2/2018, tổ chức đấu tranh vì nữ quyền "Groupe F" đã xuất bản những câu chuyện của các nạn nhân cho rằng cảnh sát không hề có động thái gì khi họ trình báo.
Để đối phó với tình trạng đáng báo động, theo bà Francoise Brie, Bộ Nội vụ đã tạo một “nền tảng đã tiếp nhận những lời tố giác về bạo lực tình dục và những hành động được coi là phân biệt đối với phụ nữ”. “Nhờ có ứng dụng này, các nạn nhân có thể tố giác mà không cần đến đồn cảnh sát”, bà Brie nhận định.
Hồi tháng 8, chính quyền Paris đã thông qua một luật gọi là Luật Chống quấy rối tình dục trên đường phố. Số tiền một người phải nộp phạt tại chỗ nếu mắc tội này có thể lên tới 750 Euro (hơn 20 triệu đồng) tuỳ theo mức độ nghiêm trọng. Giới chức Pháp cho biết việc thông qua luật là hành động thiết yếu nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi những lời nói và hành vi quấy rối tình dục.
Bên cạnh đó, chính phủ Pháp đã thực hiện một chiến dịch trong tháng 9 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực nhằm vào phụ nữ.