Theo đó, khi bình luận về lệnh bắt, ICC cho biết có căn cứ hợp lý để tin rằng hai ông Netanyahu và Gallant "cố ý và có chủ ý tước đoạt những vật dụng thiết yếu cho sự sống còn của dân thường ở Gaza". Ngoài ra, ICC cũng đã ban hành lệnh bắt giữ đối với thủ lĩnh quân sự Hamas Mohammed Deif vì cáo buộc "tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh".
Cách đây 6 tháng, công tố viên ICC Karim Khan lần đầu nộp đơn xin lệnh bắt giữ. Vào tháng 8, ông Khan đã yêu cầu tòa án đưa ra quyết định và nói rằng: "Bất kỳ sự chậm trễ vô lý nào trong các thủ tục này đều ảnh hưởng bất lợi đến quyền của nạn nhân".
Israel là nước phản ứng mạnh mẽ nhất. Trong tuyên bố gần nhất, Văn phòng Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ, chỉ trích mạnh mẽ các lệnh bắt giữ cũng như cho biết không đầu hàng trước áp lực để bảo vệ công dân của mình. Cơ quan này cho biết vụ này tương tự vụ Alfred Dreyfus - một đại úy quân đội Do Thái bị kết án oan về tội phản quốc ở Pháp. Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Israel Miri Regev gọi các lệnh bắt là "chủ nghĩa bài Do Thái hiện đại đội lốt công lý".
Trong khi đó, lực lượng Hamas lại lên tiếng hoan nghênh quyết định của ICC khi ban hành lệnh bắt giữ hai ông Netanyahu và Gallant và gọi đây là bước tiến quan trọng hướng tới công lý. Trong tuyên bố của mình, thành viên chủ chốt của Hamas, ông Basem Naim nói: “Đây là một bước quan trọng hướng tới công lý và có thể dẫn đến sự 'bù đắp' cho các nạn nhân. Nhưng lệnh bắt vẫn còn hạn chế và mang tính biểu tượng nếu không được tất cả các quốc gia trên thế giới ủng hộ bằng mọi giá”. Lực lượng Hamas cũng kêu gọi ICC mở rộng phạm vi tham gia của mình đối với các quan chức khác của Israel.
Chính quyền khu Bờ Tây cho biết quyết định của ICC thể hiện hy vọng và sự tin tưởng vào luật pháp quốc tế và các thể chế của nó, đồng thời nêu rằng văn bản này thúc giục các thành viên ICC thực hiện chính sách chấm dứt các cuộc họp với các ông Netanyahu và Gallant.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden cho biết Washington về cơ bản bác bỏ quyết định của ICC, đồng thời thể hiện sự rất quan ngại về việc công tố viên vội vàng xin lệnh bắt giữ và những sai sót đáng lo ngại trong quy trình dẫn đến quyết định này. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia khẳng định: "Mỹ đã nói rõ rằng ICC không có thẩm quyền đối với vấn đề này".
Về phía Liên minh châu Âu (EU), Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh, Josep Borrell cho rằng lệnh bắt của ICC không mang tính chính trị và cần phải được tôn trọng và thực hiện. Ông nói: “Quyết định này là quyết định mang tính ràng buộc và tất cả các quốc gia, bao gồm tất cả các thành viên của EU, đều có nghĩa vụ thi hành quyết định này của tòa án”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều quốc gia khác cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm khác nhau liên quan đến quyết định của ICC, trong đó có cả ủng hộ, phản đối cũng như mang tính chất khá "trung dung".
Về phía ủng hộ mạnh mẽ, Chính phủ Nam Phi hoan nghênh quyết định của ICC và cho biết đây là bước tiến quan trọng hướng tới công lý cho các tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh ở Palestine. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết lệnh bắt giữ của ICC là một bước đi đầy hy vọng và quan trọng trong việc đưa ra công lý những nhà chức trách Israel đã phạm tội diệt chủng đối với người Palestine.
Về phía lên án phản đối, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto lên án quyết định của ICC, khi làm mất uy tín của ngành tư pháp quốc tế khi coi các nhà lãnh đạo của một quốc gia bị tấn công khủng bố tàn bạo ngang hàng với các nhà lãnh đạo của tổ chức khủng bố chịu trách nhiệm.
Phát biểu trên mạng xã hội X, Tổng thống Argentina Javier Milei tuyên bố nước ông phản đối mạnh mẽ quyết định này. Ông cho rằng lệnh bắt này phớt lờ quyền tự vệ hợp pháp của Israel trước các cuộc tấn công liên tục của các "tổ chức khủng bố" như Hamas và Hezbollah.
Trong khi đó khá nhiều quốc gia thể hiện quan điểm khá chung dung khi vẫn ủng hộ vai trò của ICC nhưng không chỉ trích hoặc ủng hộ việc bắt giữ Thủ tướng Israel và cựu Bộ trưởng nước này. Lãnh đạo các nước như Pháp, Hà Lan, Ireland, Na Uy, Anh, Áo, Thụy Sỹ cũng đồng loạt lên tiếng bình luận liên quan đến vụ việc. Các nước này chủ yếu cho biết tôn trọng quyết định của ICC và có nghĩa vụ hợp tác với ICC theo Quy chế Rome.