Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, tòa án ở Bắc Kinh đã yêu cầu người chồng trả một lần khoản tiền 50.000 nhân dân tệ (khoảng 178 triệu đồng) cho người vợ.
Đây là phán quyết đầu tiên đưa ra yêu cầu trên trong bối cảnh luật hôn nhân mới ở Trung Quốc vừa có hiệu lực. Vụ ly hôn này và phán quyết của tòa càng khiến dư luận tranh luận nhiều hơn về vai trò của người vợ làm nội trợ và phong trào nữ quyền ngày càng mạnh ở Trung Quốc.
Gần đây, dư luận Trung Quốc tranh luận sôi nổi về việc quy việc nhà không lương ra giá trị tiền bạc. Việc nhà phần lớn vẫn do phụ nữ đảm nhận. Chủ đề này đã được xem trên 400 triệu lượt tính tới 22/2 trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Theo hồ sơ tòa án, người vợ có họ là Wang gặp người chồng họ Chen năm 2010. Họ kết hôn năm 2015 nhưng bắt đầu sống riêng năm 2018, con trai sống với mẹ.
Năm 2020, Chen nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án Nhân dân quận Fangshan ở Bắc Kinh. Vợ anh này ban đầu chần chừ, chưa đồng ý ly hôn nhưng về sau yêu cầu phân chia tài sản và bồi thường tiền bạc vì Chen không làm việc nhà cũng như không chăm sóc con cái. Cô cũng cáo buộc chồng ngoại tình.
Khi chấp nhận đơn xin ly hôn của cặp vợ chồng trên, tòa án đã cho Wang có quyền nuôi con trai và yêu cầu Chen trả tiền cấp dưỡng 2.000 nhân dân tệ/tháng (hơn 7 triệu đồng) cho vợ. Còn 50.000 nhân dân tệ là khoản mà Chen phải trả cho việc nhà mà Wang đã một mình làm trong suốt 5 năm hôn nhân.
Một người dùng internet bình luận: “Trả tiền là điều đúng đắn nhưng khoản tiền 50.000 nhân dân tệ là quá ít. Ra ngoài làm việc nửa năm đã kiếm được hơn thế rồi”.
Ông Zhong Wen, luật sư chuyên về ly hôn ở tỉnh Tứ Xuyên, cho biết phán quyết của tòa án ở Bắc Kinh dựa trên luật hôn nhân mới ở Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Ông cho biết: “Có một điều khoản nói rằng bên đảm nhận nhiều công việc nuôi dạy con cái, chăm sóc người già và hỗ trợ công việc cho chồng/vợ có quyền đòi hỏi bồi thường khi ly hôn. Hai bên cần thương lượng biện pháp, nếu không thương lượng được, tòa sẽ quyết định”.
Ông Zhong cho rằng phán quyết này có lợi cả về mặt pháp lý và xã hội vì phán quyết công nhận giá trị của làm việc nhà. Ông nói: “Những người làm nội trợ thường bị coi thường trong hôn nhân”.
Nhiều người cho rằng người làm nội trợ thường tụt hậu so với xã hội, không có con đường sự nghiệp và làm việc nhà thường bị coi là vô nghĩa vì không có giá trị tiền bạc và luôn phụ thuộc vào người khác.
Luật sư Zhong cho rằng số tiền bồi thường trong vụ ly hôn nói trên là quá thấp. Ở một số nước, khi phân chia tài sản khi ly hôn, tòa án cân nhắc đóng góp của hai bên với gia đình, trong đó có cả làm việc nhà, chăm sóc gia đình. Đóng góp này quan trọng hơn là tiền bồi thường đơn thuần cho một bên.
Theo khảo sát do tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc thực hiện, phụ nữ vẫn gánh vác việc nhà và việc chăm sóc không lương nhiều hơn 2,5 lần so với nam giới.
Hồi tháng 10/2020, bà Zhang Guimei, sáng lập viên kiêm hiệu trưởng trường trung học nữ sinh công lập đầu tiên ở Trung Quốc, đã châm ngòi cuộc tranh luận về việc phụ nữ chọn làm bà nội trợ. Bà Zhang đã chỉ trích họ vì thiếu độc lập và phụ thuộc vào chồng. Bà nói bà không thích học sinh của mình sau này trở thành người nội trợ.
Bà Zhang được báo chí Trung Quốc ca ngợi là nhà giáo dục nổi tiếng vì đóng góp trong thay đổi kế sinh nhai cho phụ nữ ở những khu vực nghèo nhất Trung Quốc. Trường trung học nữ sinh ở huyện Huaping, Lệ Giang, tỉnh Vân Nam do bà thành lập năm 2008 đã mở đường cho 1.800 học sinh nữ từ các gia đình nghèo đi theo con đường học hành, tiến tới vào đại học.
Có người coi phát ngôn của bà Zhang là không tôn trọng phụ nữ, có người lại cho rằng cần đặt phát ngôn của bà trong bối cảnh công việc bà đang làm để đưa phụ nữ thoát nghèo.