Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đi bộ dọc bờ biển Đại Liên. Ảnh: Xinhua News/Yonhap News |
Thông tin trên được báo Nhật Asahi Shimbun dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết.
Trong lần gặp thượng đỉnh thứ hai tại Đại Liên vào đầu tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giải thích cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng Trung Quốc cần tham gia vào tuyên bố đó vì nước này đã chiến đấu sát cánh Triều Tiên trong cuộc chiến tranh 1950-1953.
Theo báo Asahi, ông Tập tỏ ý không hài lòng với ý tưởng hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ tự mình tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Trung Quốc đã nhiều lần ám chỉ trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào 12/6 rằng, nước này sẽ phản đối tuyên bố chấm dứt chiến tranh nếu như bị gạt ra rìa. Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) còn đăng tải một bài viết chỉ ngay trước Hội nghị tuyên bố Trung Quốc phải được tham gia ký tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều cũng đã cùng nhau ký Tuyên bố chung Panmunjeom, đề cập đến việc nhất trí thúc đẩy các cuộc gặp ba bên giữa Hàn-Triều-Mỹ với hi vọng tuyên bố chấm dứt chiến tranh bằng một Hiệp định hòa bình và thiết lập chế độ hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.
Cũng theo báo Asahi Shimbun, trong cuộc gặp ở Đại Liên, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi dừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore.
Nếu như những thông tin trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản là sự thực, thì có thể thấy Trung Quốc đang tích cực đưa ra các yêu cầu đối với Triều Tiên nhằm tăng cường sự hiện diện của nước này trong những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên.
“Một tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh không hề xuất hiện trong tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Điều này phần lớn là do Mỹ chần chừ khong muốn nhượng bộ đơn phương. Tuy nhiên, nguyên nhân cũng có thể đây chính là điều mà Trung Quốc hối thúc Triều Tiên. Một lần nữa chúng ta lại thấy các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc tranh nhau vị trí dẫn đầu xử lý các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên trong đó Triều Tiên bị đứng giữa”, tờ Tokyo Shimbun nhận xét.