Mỹ, Trung Quốc tiếp tục đối đầu thương mại. Ảnh: CNN
|
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sớm công bố các hạn chế đầu tư nhằm vào Trung Quốc, một bước đi nữa đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên một mức nghiêm trọng mới. Vì sao động thái này của Washington lại khiến các thị trường, nhất là thị trường tài chính Phố Uôn lo ngại.
Gây áp lực đối với Trung Quốc
Mỹ lâu nay vẫn cáo buộc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD và mất hàng nghìn việc làm. Nhà Trắng đang tìm mọi cách gây sức ép nhằm buộc Bắc Kinh phải chấm dứt các hành động mà Washington coi là thu thập bí mật công nghệ một cách thiếu đàng hoàng của các công ty Mỹ. Một phần trong biện pháp đáp trả của Mỹ đó là áp thuế suất đối với lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc, trong đó một số mức thuế có hiệu lực ngay tháng 7 tới.
Tuy nhiên, chưa dừng tại đó, Chính phủ Mỹ cũng đang chủ trương áp đặt một số hạn chế đầu tư nhằm vào Trung Quốc. Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nghiên cứu một kế hoạch nhằm hạn chế hoạt động đầu tư của Trung Quốc “vào các ngành công nghiệp và kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng của Mỹ”.
Trọng tâm của việc này đó là nhằm vào “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, chiến lược của Bắc Kinh theo đuổi nhằm chi phối các ngành công nghiệp của tương lai như người máy, xe điện và không gian vũ trụ.
Trong tháng 5, Nhà Trắng thông báo các chi tiết của kế hoạch này – cùng với việc siết chặt kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ chuyển công nghệ tới Trung Quốc – sẽ chính thức được công bố vào ngày 30/6.
Các biện pháp hạn chế đầu tư mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra nhắm chủ yếu đến mục đích gây áp lực buộc Trung Quốc nới lỏng những qui định bắt buộc các công ty nước ngoài làm ăn tại nước này phải thành lập liên doanh với đối tác Trung Quốc, hoặc phải chuyển giao công nghệ.
Chính sách mới
CNN dẫn lời một cá nhân am hiểu kế hoạch của Nhà Trắng nói rằng các công ty có tối thiểu 25% vốn sở hữu của Trung Quốc sẽ bị cấm mua lại những công ty liên quan tới công nghệ mà Washington đánh giá là quan trọng, ví dụ như không gian vũ trụ, người máy, công nghiệp ô tô. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang soạn thảo các qui định xuất khẩu mới hướng tới việc ngăn chặn những công nghệ cao được chuyển tới Trung Quốc.
Một nguồn tin giấu tên từ chính quyền Mỹ cho hay qui định hạn chế đầu tư mới có thể sẽ "khép chặt cánh cửa" tiếp cận của Trung Quốc đối với khoảng 1.000 công ty và doanh nghiệp Mỹ. Song giới chức Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.
Giữa cơn bão tin đồn, Bộ trưởngS. Mnuchin đầu tuần này đăng đàn tuyên bố những thông tin về việc Mỹ hạn chế đầu tư là “hoang tin, giả mạo”. Ông nêu rõ các biện pháp mới của Washington “không nhằm vào riêng Trung Quốc, tất cả các quốc gia đang tìm cách đánh cắp công nghệ của Mỹ”.
Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro xuất hiện trên CNBC tuần này cũng lên tiếng hoài nghi những tin đồn này.
Vì sao các thị trường lo ngại
Tâm lý chung của giới đầu tư thời điểm này là lo ngại cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc sẽ gây phương hại nền kinh tế Mỹ, châm ngòi cho hàng loạt hành động leo thang “ăn miếng trả miếng” từ cả hai phía.
Việc Mỹ áp dụng các qui định đầu tư mới có thể chặn đứng khả năng tiếp cận một số nguồn vốn nước ngoài. Đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đang giảm. Theo số liệu công bố mới nhất của Rhodium Group, trong 5 tháng đầu năm 2018, đầu tư của Trung Quốc đã giảm tới 90% so với cùng kỳ năm 2017.
Các qui định mới cũng sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt cách thức quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài tồn tại nhiều năm qua tại Mỹ. Hiện nay, nhiệm vụ này thuộc về Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS).
Ủy ban liên ngành này, thuộc quản lý của Bộ Tài chính, chịu trách nhiệm xét duyệt một số thỏa thuận mà có thể sẽ cho phép một nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền kiểm soát một doanh nghiệp Mỹ, điều đang bị nhìn nhận là tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Ủy ban này đang ngày càng thể hiện quan điểm cứng rắn dưới thời Tổng thống Trump, nhất là với Trung Quốc. Các chuyên gia thuộc CFIUS đánh giá số lượng thỏa thuận lớn hơn, dành sự chú ý đặc biệt tới các mối quan hệ đối tác mà có thể cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận những công nghệ nhạy cảm hay dữ liệu cá nhân của người Mỹ.
CFIUS có thể quyền lực hơn trong tương lai gần. Quốc hội Mỹ đang xem xét một dự luật, theo đó mở rộng quyền hạn của ủy ban này. Những qui định mới cũng nhận được sự ủng hộ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như từ phía các quan chức cấp cao trong Chính quyền của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, hệ quả của việc áp đặt các qui định hạn chế đầu tư mới của Washington với Trung Quốc là không hề nhỏ.