Ông Prayut Chan-o-cha đắc cử Thủ tướng Thái Lan

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Quốc hội Thái Lan đêm 5/6 đã bầu đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, ứng cử viên của liên minh do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân lãnh đạo, làm thủ tướng thứ 30 của Vương quốc này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng đắc cử của Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu tại một sự kiện ở Bangkok, Thái Lan ngày 5/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Prayut Chan-o-cha nhận được 500 phiếu ủng hộ trong phiên họp của lưỡng viện Quốc hội, bỏ xa số phiếu 244 mà ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit, thủ lĩnh đảng Tương lai Mới, nhận được.

Phiên họp lưỡng viện Quốc hội Thái Lan bắt đầu từ 11h sáng và kéo dài 12 giờ tới gần nửa đêm mới bắt đầu bầu Thủ tướng do cả hai phe ủng hộ chính quyền đương nhiệm và đối lập đều cố gắng ca ngợi những phẩm chất của ứng cử viên của phe mình, trong khi vạch ra những yếu kém của ứng cử viên phe kia.

Theo Hiến pháp năm 2017, nhiệm vụ của Thượng viện gồm 250 thành viên do chính quyền đương nhiệm chỉ định và Hạ viện gồm 500 thành viên được bầu trong cuộc bầu cử ngày 24/3 trong phiên họp chung đầu tiên là bầu Thủ tướng mới. Người đắc cử phải nhận được ít nhất 376 phiếu bầu trong phiên họp lưỡng viện này.

Tổng cộng 747 nghị sĩ có mặt tại phiên họp đầu tiên của lưỡng viện Quốc hội Thái Lan. Các nghị sĩ đã được thư ký Quốc hội mời và đọc tên ứng cử viên mà mình ủng hộ. Có 3 nghị sĩ bỏ phiếu trắng, trong đó có 2 phiếu trắng của Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Thái Lan bởi theo truyền thống thì Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện không tham gia bầu Thủ tướng.

Ông Prayut Chan-o-cha không tham gia tranh cử ghế hạ nghị sĩ trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng Hiến pháp Thái Lan không bắt buộc thủ tướng phải là thành viên nghị viện. Ông Prayut Chan-o-cha nhận được sự ủng hộ của một liên minh do đảng Palang Pracharath đứng đầu.

Một ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng, đảng Dân chủ - chính đảng lâu đời nhất của Thái Lan - đã đồng ý tham gia liên minh do đảng Palang Pracharath lãnh đạo. Tuy nhiên, quyết định này đã khiến cho cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva tuyên bố từ chức hạ nghị sĩ với lý do không thể phá bỏ lời hứa với cử tri.

Thủ lĩnh đảng Tương lai Mới Thanathorn Juangroongruangkit - đối thủ duy nhất của ông Prayut Chan-o-cha trong cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng - nhận được sự ủng hộ của đảng Vì nước Thái và một số đảng khác phản đối ông Prayut Chan-o-cha liên nhiệm.

Tuy nhiên, bản thân ông Thanathorn Juangroongruangkit lại không được tham gia bỏ phiếu do bị Tòa án Hiến pháp tạm đình chỉ tư cách hạ nghị sĩ để chờ phán quyết về cáo buộc sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông khi vận động tranh cử.

Hai người khác không tham gia bỏ phiếu là cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva vừa từ chức và một hạ nghị sĩ của đảng Tương lai Mới do bị ốm.

Kết quả cuộc bầu cử Hạ viện ngày 24/3 được Ủy ban Bầu cử công bố cho thấy đảng Vì nước Thái có tổng cộng 136 ghế, đảng Palang Pracharath có 116 ghế, đảng Tương lai Mới có 81 ghế, đảng Dân chủ 53 ghế, đảng Tự hào nước Thái 51 ghế. Các đảng còn lại trong số 26 chính đảng có đại biểu tại Hạ viện có từ 10 ghế trở xuống.

Với việc lưỡng viện Quốc hội bầu ông Prayut Chan-o-cha làm thủ tướng kế tiếp 5 năm sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Thái Lan giờ đây chính thức khôi phục chính quyền dân sự với một Chính phủ mới hình thành thông qua bầu cử.

Kết quả bầu Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan sẽ được Chủ tịch Hạ viện trình lên Nhà vua để phê chuẩn và nội các mới dự kiến sẽ được công bố trong tháng này.

Ngọc Quang - Hữu Kiên (TTXVN)
Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân Thái Lan thành lập liên minh với 5 đảng nhỏ
Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân Thái Lan thành lập liên minh với 5 đảng nhỏ

Ngày 4/6, đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP) đã công bố liên minh với 5 đảng nhỏ khác ủng hộ chiến dịch thành lập một chính phủ mới do PPRP lãnh đạo với Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha sẽ tiếp tục duy trì quyền lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN