Ông Obama có thể làm được gì trong 2 năm cuối nhiệm kỳ?

Trong bối cảnh Đảng Dân chủ đã mất quyền kiểm soát Thượng viện về tay Đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử giữa kỳ, người ta cho rằng Tổng thống Barack Obama cần có những hành động cụ thể để tạo ra một bầu không khí lạc quan hơn trong dư luận, giống như những gì ông đã làm khi bước chân vào Nhà Trắng 6 năm trước với khẩu hiệu "Đúng, chúng ta có thể".

Tổng thống Obama "mắc kẹt" trong mớ bòng bong khi vừa tìm cách củng cố uy tín vừa cố gắng hoàn thành những mục tiêu cụ thể và chiến thắng trong nhiều cuộc xung đột quan trọng.


Kết quả không mấy tích cực theo các bảng thăm dò ý kiến cùng với việc chính bản thân Tổng thống Obama phải đối mặt với thái độ xa lánh của các ứng cử viên trong nội bộ đảng khiến nhiều người cho rằng hai năm cuối nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo da màu này sẽ khác xa so với những gì ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Trong khi người ta đang bắt đầu quan tâm tới cuộc bầu cử năm 2016 để tìm ra người kế nhiệm, Tổng thống Obama lại "mắc kẹt" trong mớ bòng bong, vừa phải tìm cách củng cố uy tín, vừa phải nỗ lực thể hiện cho người dân Mỹ rằng ông vẫn có thể hoàn thành những mục tiêu cụ thể và chiến thắng trong nhiều cuộc xung đột quan trọng. Tuy nhiên, rõ ràng chính bản thân Tổng thống Obama cũng không ngần ngại bày tỏ sự thất vọng đối với những trở ngại tại Quốc hội cũng như sự chán nản khi phải viện tới không ít chiêu thức chính trị nhằm thúc đẩy các chính sách tại Washington.

Tuy nhiên, ông Obama không phải là vị tổng thống Mỹ duy nhất gặp khó khăn sau cuộc bầu cử giữa kỳ khi một đảng khác chiếm đa số tại Quốc hội. Các nhà lãnh đạo như Dwight Eisenhower, Ronald Reagan, Bill Clinton và George W. Bush đều đã ở trong hoàn cảnh tương tự khi bắt đầu bước vào hai năm cuối cùng tại nhiệm.

Đảng Dân chủ đứng trước nguy cơ mất quyền kiểm soát Thượng viện về tay Đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử giữa kỳ.


Nhà sử học Douglas Brinkley, thuộc Đại học Rice, cho rằng một Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát cũng đồng nghĩa với việc quá trình thông qua hầu hết các dự thảo luật sẽ bị tê liệt hoàn toàn, song điều này cũng có thể sẽ giúp ông chủ Phòng Bầu dục rảnh tay hơn trong việc thúc đẩy các mục tiêu của mình. Ông nói: "Nhiều khả năng Nhà Trắng và Quốc hội sẽ không đạt được bất kỳ đồng thuận nào trong thời gian tới". Tuy nhiên, khi nhiệm kỳ dần kết thúc, Tổng thống sẽ có động lực hơn để sử dụng quyền lực của mình nhằm thúc đẩy các mục tiêu. Ông Brinkley nói: "Các tổng thống thường có xu hướng khá dè dặt trong nhiệm kỳ thứ nhất hoặc trong sáu năm đầu, bởi khi đó họ vẫn nuôi tham vọng đạt được thỏa thuận chung (giữa các bên đối lập). Xét theo nhiều khía cạnh, ông Obama sẽ "tự do" hành động hơn, bởi Đảng Cộng hòa hoàn toàn không muốn làm việc cùng ông ấy". Người ta cho rằng sẽ rất khó để tìm ra một vấn đề quan trọng nào đó mà chính quyền Obama và một Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát cùng có chung quan điểm.

Theo giới chuyên gia, từ nay cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/1/2017, Tổng thống Obama có thể sẽ đẩy mạnh hơn nữa "chiến lược cây bút và điện thoại" - dùng "bút" để ký các sắc luật và dùng "điện thoại" để vận động lực lượng bên ngoài. Những thay đổi này có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong vài tuần tới, nhất là trong vấn đề nhập cư đang gây nhiều tranh cãi.

Tổng thống Obama từng nhấn mạnh ông sẽ thúc đẩy vấn đề nhập cư trước khi năm 2014 kết thúc bởi: "Người dân Mỹ không muốn tôi chỉ đứng một chỗ vặn vẹo ngón tay và chờ Quốc hội sẽ làm gì đó". Sắc lệnh nhập cư mới có thể nới lỏng các quy định đối với khoảng 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ. Nhiều người trong số này đã sống nhiều năm tại Mỹ với nỗi lo sợ bị trục xuất bất kỳ lúc nào. Cả những người ủng hộ ông Obama - vốn đang mất kiên nhẫn khi sắc lệnh này bị trì hoãn nhiều lần, và những người phản đối cải cách - cho rằng không thể phớt lờ Quốc hội trong các vấn đề quan trọng như nhập cư - đều đang chờ đợi các động thái tiếp theo của tổng thống.

Giới bình luận cho rằng Tổng thống Obama có thể tận dụng hai năm cuối nhiệm kỳ để thúc đẩy mục tiêu then chốt là chương trình Obamacare, nhằm cung cấp bảo hiểm y tế cho hàng triệu người dân Mỹ, mà không cần phải phải thông qua Quốc hội.

Sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq có thể sẽ "ngốn" khá nhiều thời gian của Tổng thống Obama.


Trên mặt trận quốc tế, hai cuộc khủng hoảng lớn hiện nay là các căng thẳng tại Ukraine do phiến quân thân Nga kích động, cùng sự bành trướng của tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq có thể sẽ "ngốn" khá nhiều thời gian của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, trong hai năm cuối nhiệm kỳ, nhà lãnh đạo này cũng có thể sẽ được chứng kiến những kết quả cụ thể từ ba tiến trình đàm phán then chốt là thỏa thuận hạt nhân với Iran, thỏa thuận thương mại tự do khu vực xuyên Thái Bình Dương, và thỏa thuận về biến đổi khí hậu có quy mô toàn cầu.

Theo nhiều nhà phân tích, Tổng thống Obama sẽ phải rất linh hoạt và khéo léo để vượt qua các trở ngại từ Quốc hội trong tất cả những vấn đề liên quan. Mọi hiệp ước về khí hậu đều cần phải nhận được ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ của Thượng viện - một khả năng dường như là không thể diễn ra trong bối cảnh chính trị hiện tại - song Tổng thống Obama hoàn toàn có thể tránh khỏi những cản trở này nếu có cách tiếp cận hợp pháp và phù hợp.

Nhà sử học Brinkley cho rằng người ta không nên vội vã kết luận về "di sản" của Tổng thống Obama, dù là trong chính sách đối nội hay đối ngoại. Ông nói: "Ông ấy vẫn còn hai năm để thể hiện bản thân. Một phần tư nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama mới sắp bắt đầu".


TTK
Dân chủ thất thế - Chính trường Mỹ thêm căng thẳng
Dân chủ thất thế - Chính trường Mỹ thêm căng thẳng

Lịch sử bầu cử Mỹ đã lặp lại đúng như cách đây 10 năm khi đảng Cộng hòa, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 4/11 vừa qua, đã giành trọn quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN