Tâm lý bất an cũng xuất hiện trước giai đoạn nước rút, khi chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Những gì diễn ra không khỏi khiến người ta lo ngại, rằng đây chỉ là vấn đề an ninh và khủng bố, hay thực sự đang có một cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ, mà trực tiếp là vào cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.
Bắt đầu từ ngày 24/10, toàn nước Mỹ chấn động trước thông tin một loạt gói bưu kiện tình nghi chứa bom hoặc vật liệu nổ đã được gửi tới văn phòng của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington, tư gia của vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Hillary Clinton ở ngoại ô New York, trụ sở làm việc cũ của cựu Giám đốc đài CNN John Brennan và một số nhân vật khác.
Nỗi ám ảnh “bom thư” còn chưa nguôi thì ngày 25/10, giới chức thực thi pháp luật liên bang tiếp tục phát hiện các gói bưu kiện tương tự cũng đã được gửi đến cựu Phó Tổng thống Joe Biden và siêu sao Hollywood Robert De Niro.
Mặc dù toàn bộ những gói bưu kiện cùng thiết bị nổ đã được vô hiệu hóa và không ai bị thương, tuy nhiên vụ việc diễn biến với tốc độ nhanh chóng đã khiến dư luận Mỹ náo loạn và gây lên nỗi sợ hãi, hoang mang cho người dân Mỹ. Không ít người rùng mình hồi tưởng lại thảm kịch khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 mà nước Mỹ phải hứng chịu, nhất là khi cảnh sát New York ra báo động khẩn cấp, kêu gọi người dân tìm nơi "ẩn nấp tại chỗ". Vụ việc đang khiến vấn đề an ninh ở nước Mỹ lại trở thành mối lo.
Đặc biệt, vụ “bom thư” trên có khả năng tạo ra một chiều hướng mới trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa kỳ, một sự kiện quan trọng khi mà đảng Cộng hòa đang cố gắng bảo toàn lực lượng chiếm ưu thế tại hai viện Quốc hội. Những người là mục tiêu của vụ “bom thư” này dường như có điểm chung là thuộc đảng Dân chủ hoặc là những nhân vật có tầm ảnh hưởng thường xuyên bị Tổng thống Trump cũng như đảng Cộng hòa của ông chỉ trích.
Trên trang Twitter cá nhân, hay trong các cuộc vận động tranh cử cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa, Tổng thống Trump thường xuyên công kích cựu Tổng thống Obama, bà Clinton, hãng tin CNN cùng một số quan chức khác của đảng Dân chủ. Sự trùng hợp có thể ngẫu nhiên này lại đang làm nảy sinh mối hoài nghi, liệu đây có phải là hành động đe dọa, khủng bố chính trị từ trong nước Mỹ, quốc gia đang bị phân cực trước cuộc bầu cử giữa kỳ, hay không?
Chính vì vậy, mặc dù ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án mạnh mẽ hành động khủng bố trên, cho rằng những hành động đe dọa và hành vi bao lực chính trị không thể tồn tại ở nước Mỹ, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết song một số nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ vẫn “chĩa mũi giáo” vào ông chủ Nhà Trắng. Những nghị sĩ này đã cáo buộc Tổng thống Trump, với những hành động và phát ngôn của mình, làm gia tăng căng thẳng chính trị, gây chia rẽ và tâm lý thù địch gia tăng trong nước Mỹ, mà vụ việc “bom thư” được cho là kết quả.
Về phần mình, Tổng thống Donald Trump Mỹ “phản pháo” bằng cách nói rằng các nghị sĩ Dân chủ chỉ trích ông “có nghĩa vụ hạ thấp giọng điệu khoa trương”. Ông cũng quay sang cáo buộc giới truyền thông về "sự thù địch" và "các cuộc tấn công giả mạo" của họ khi bình luận về việc một loạt vụ bom thư này. "Lời qua tiếng lại" giữa các chính trị gia khiến vấn đề càng nóng hơn
Cũng có những giả thuyết cho rằng vụ việc này là nhắm vào đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump. Theo kế hoạch, cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ sẽ chính thức diễn ra vào ngày 6/11. Trong cuộc bầu cử này, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu ra toàn bộ 435 ghế hạ viện, 35/100 ghế thượng viện, 36 thống đốc bang cùng khoảng 6.000 ghế (tương đương gần 82% tổng số ghế) trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ.
Hiện nay đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đang nắm đa số ghế ở cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ, nhưng rất có thể điều này sẽ thay đổi sau kỳ bầu cử khi mà người ủng hộ Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa của ông bắt đầu cảm thấy thất vọng.
Mặc dù những thành tựu kinh tế sau khi ông Trump lên cầm quyền là không thể phủ nhận, nhưng những nhân vật phản đối ông và đảng Cộng hòa vẫn có thể dẫn ra một nước Mỹ không chỉ có sự chia rẽ về giàu nghèo, văn hóa, ý thức hệ, mà còn về tôn giáo, sắc tộc, giới tính khi tâm lý thù địch, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc… có xu hướng gia tăng nhiều nơi. Xét ở khía cạnh này, vụ “bom thư” có thể trở thành “giọt nước tràn ly” đẩy cao tâm lý bất mãn của những cử tri từng ủng hộ ông Trump.
Chính giới Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết nội bộ và lên án các hành động bạo lực chính trị trước cuộc bầu cử sắp tới. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh nước Mỹ đang trong "thời kỳ nhiễu loạn" và người dân, chính giới cần đoàn kết, gạt bỏ mọi chia rẽ sâu sắc. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện, cho rằng mục tiêu tấn công nhằm vào các nghị sĩ đảng Dân chủ có thể coi là các hành động "khủng bố trong nước".
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết ông đang huy động mọi nguồn lực để làm sáng tỏ vụ việc và đảm bảo rằng những người chịu trách nhiệm sẽ được đưa ra công lý… Tuy nhiên, rõ ràng vụ việc đang tác động xấu khiến bầu không khí trong xã hội Mỹ trước bầu cử trở nên căng thẳng và bất an.