Đài BBC đưa tin chính phủ Bangledesh giải thích nguyên nhân giá xăng dầu tăng cao là do ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine, dẫn đến việc hàng nghìn người dân đã xuống đường biểu tình phản đối tình trạng trên.
Trong lúc xếp hàng chờ đổ xăng cho chiếc xe tải chở rau, Mohammad Nurul Islam tâm sự anh có thể không còn cầm cự được nữa và sớm phải đi ăn xin.
Giá xăng ở Bangladesh đã bất ngờ tăng từ 86 taka (21.000 đồng) một lít lên 130 taka (32.000 đồng) trong vòng một tuần. Dầu diesel và dầu hỏa cũng tăng 42,5%.
Mức tăng mạnh đã khiến anh Mohammed, người làm thuê cho một công ty vận tải, phải vật lộn để trang trải các khoản phí sinh hoạt cơ bản.
Người đàn ông 35 tuổi này sống ở thành phố Dinajpur, có hai con nhỏ và bố mẹ già cần chu cấp. Thế nhưng, ông chủ của Mohammed thông báo không thể trả lương đầy đủ cho anh sau khi giá nhiên liệu bật tăng.
“Tôi không thể mua đủ thực phẩm cho gia đình. Nếu giá xăng dầu cứ tăng như thế này thì tôi không thể chu cấp cho cha mẹ và cho con đi học được nữa. Nếu mất việc, tôi có thể phải đi ăn xin trên đường”, Mohammad chia sẻ.
Vô số người ở quốc gia 168 triệu dân này cũng đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn tương tự. Giống như nhiều quốc gia khác, Bangladesh đang ở giai đoạn nghiêm trọng nhất của làn sóng tăng giá dầu toàn cầu.
"Chúng tôi hiểu rõ mức tăng trên là lớn, nhưng chúng tôi có thể làm gì khác khi chi phí nhiên liệu ở nước ngoài tăng lên?" Bộ trưởng Năng lượng Bangladesh Nasrul Hamid nói với BBC.
Phủ nhận cáo buộc quản lý kinh tế yếu kém, ông Hamid cho biết chính phủ Bangladesh trước đây đã đưa ra hàng loạt gói trợ cấp để tránh tăng giá, song việc tăng giá hiện nay là không thể tránh khỏi.
Ông nói thêm: “Nếu giá toàn cầu giảm ở thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện một số điều chỉnh”.
Sau khi thông tin nhiên liệu tăng giá được công bố vào tuần trước, hàng ngàn người dân đã biểu tình tại các trạm xăng trên khắp đất nước Nam Á này và gợi nhắc đến cuộc khủng hoảng tài chính ở Sri Lanka.
Các cuộc biểu tình ở Bangladesh hiện diễn ra lẻ tẻ, nhưng nỗi tức giận và bất bình ngày càng lớn.
Bộ trưởng Nasrul Hamid tin rằng Bangladesh sẽ tránh lặp lại số phận của Sri Lanka, mặc dù dự trữ ngoại tệ đang giảm.
Tháng 7 vừa qua, Bangladesh - quốc gia được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới - đã trở thành quốc gia Nam Á thứ ba đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân cứu trợ, sau Sri Lanka và Pakistan.
Nhưng đối với cô Mossammad Zakia Sultana, người gần như không đủ tiền mua vé xe buýt để đưa con đi chữa bệnh, mọi sự giúp đỡ trong tương lai sẽ đều muộn màng. Khi giá vé giao thông công cộng leo thang cùng chi phí nhiên liệu, cô buộc phải hạn chế đi xe buýt.
Trả lời BBC lúc trên đường đến bệnh viện cùng con gái, Mossammad cho biết giá thực phẩm đắt đỏ gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của gia đình cô. “Không chỉ vé xe buýt, giá cả mọi mặt hàng ở chợ cũng tăng khiến tôi khó trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình”, cô nói.
Nỗi lo sinh kế cũng ám ảnh người dân ở những vùng hẻo lánh hơn của thành phố Dinajpur.
Cô Sheuli Hazda là nông dân làm thuê theo thời vụ, song hầu như không mua được những loại nông sản do chính tay mình trồng. Người phụ nữ này cho biết với giá nhiên liệu tăng đột ngột, chi phí trồng trọt trở nên rất đắt đỏ. Lương của người làm thuê thậm chí khó có thể cho các con ăn no bữa.
Khi chi phí sinh hoạt tăng mạnh, những người như Sheuli nói rằng thu nhập của họ đang trở nên vô giá trị. "Nếu chính phủ không sớm giảm giá nhiên liệu, chúng tôi sẽ chết đói”, cô khẩn khoản.