Ngày 24/11, Nhà Trắng đã công bố các nội dung chính trong thỏa thuận hạt nhân đạt được tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức). Các nội dung chính này như sau:Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton (thứ 2, trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (thứ 3, phải) trong cuộc hội đàm ở Geneva ngày 22/11. Ảnh: AFP-TTXVN |
- Iran nhất trí ngừng toàn bộ hoạt động làm giàu urani trên 5% và tháo dỡ những kết nối về kỹ thuật cho phép hoạt động làm giàu ở mức trên 5%.
- Iran cam kết vô hiệu hóa kho urani được làm giàu lên cấp độ gần 20% bằng việc làm giảm mức độ này xuống.
- Iran sẽ không lắp đặt các máy ly tâm làm giàu urani mới và ngừng tiến trình chạy thử một lò phản ứng tại cơ sở Arak có thể chế tạo plutoni.
- Iran sẽ "không xây dựng một cơ sở có khả năng tái chế, từ đó Tehran không thể phân tách plutoni từ nhiên liệu đã qua sử dụng".
- Iran sẽ cho phép các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới thanh sát cơ sở hàng ngày và chuyển thông tin về bản thiết kế của lò phản ứng Arak.
- Nhóm P5+1 sẽ thành lập một "ủy ban chung" để làm việc với IAEA và giám sát việc thực thi thỏa thuận này, "trong đó có quy mô quân sự tiềm tàng trong chương trình hạt nhân Iran cũng như các hoạt động tại cơ sở Parchin của Tehran".
- Đổi lại, Nhóm P5+1 sẽ "áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế, tạm thời, có mục đích và có thể đảo ngược" có tổng trị giá vào khoảng 7 tỷ USD.
- Các cường quốc thế giới sẽ không áp đặt bất cứ biện pháp trừng phạt mới liên quan tới hạt nhân trong 6 tháng nếu Iran giữ được cam kết đến khi kết thúc thỏa thuận.
- Họ sẽ tạm dừng "một số biện pháp trừng phạt đối với vàng và kim loại quý, lĩnh vực ô tô của Iran và việc xuất khẩu chất hóa dầu của Tehran, tạo cơ hội để Iran thu về khoảng 1,5 tỷ USD", "cho phép duy tu và kiểm tra an toàn đối với các hãng hàng không Iran hoạt động trong nước này".
- Trong 6 tháng tới, sẽ chuyển cho Iran khoảng 4,2 tỷ USD đang bị phong tỏa do các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Tehran.
- Hầu hết các biện pháp trừng phạt thương mại-tài chính của Mỹ cũng như toàn bộ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ vẫn có hiệu lực.
Cùng ngày 24/11, văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo nước này coi thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1 tại Geneva là "tồi tệ" và Tehran đã đạt được "điều họ muốn".
Tuyên bố trên, được đưa ra vài giờ sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử nói trên được ký kết, có đoạn viết: "Đó là dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt trong khi vẫn duy trì một phần thiết yếu trong chương trình hạt nhân của Tehran".
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Israel Naftali Bennett ngày 24/11 cho hay nước ông sẽ không bị ràng buộc bởi thỏa thuận nói trên và vẫn có quyền phòng vệ. Phát biểu trên đài phát thanh quân sự, ông Bennett nói: "Israel không tham gia thỏa thuận ở Geneva. Iran đang đe dọa Israel và Israel có quyền phòng vệ".
TN (Theo AFP/Reuters)