Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 29/6, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde được cho là đã từ chối chức vụ thủ tướng Pháp, có nghĩa là Thủ tướng đương nhiệm Élisabeth Borne, người đang nổi tiếng ở Pháp, đặc biệt là sau khi thực thi cải cách hưu trí không được công chúng ủng hộ, có khả năng sẽ tiếp tục tại vị.
Chủ tịch hiện tại của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là đã “gián tiếp lên tiếng” với tuần báo Pháp Marianne, từ chối về vị trí mới tại Điện Élysée. Hiện chưa có xác nhận hoặc từ chối trực tiếp từ Văn phòng của bà Lagarde.
Tuy nhiên, khả năng cải tổ Chính phủ Pháp đã liên tục được thông tin trên trên báo chí từ những nguồn tin là trợ lý của Tổng thống Emmanuel Macron và giới chức chính phủ. Thời gian biểu cải tổ được nêu ra bởi nhiều nguồn khác nhau là khoảng giữa mùa hè (trước ngày 14/7, ngày Quốc khánh của Pháp) và tháng 9.
Một số ứng cử viên tiềm năng có thể thay thế bà Borne, trong đó có ứng cử viên nặng ký là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy. Các ứng cử viên tiềm năng khác bao gồm Gérald Darmanin và Bruno Le Maire, lần lượt là Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Kinh tế. Nhưng cho đến nay, việc tìm kiếm người thay thế bà Borne không hề đơn giản.
Theo các nguồn tin trong Quốc hội Pháp, việc chọn một người kế nhiệm thuộc cánh hữu sẽ gây nguy hiểm cho sự cân bằng của đa số (giữa cánh hữu và cánh tả). Điều này cũng sẽ bị MoDem (Phong trào Dân chủ), đối tác lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Macron, với 51 nghị sĩ, phản đối.
Một cái tên khác là Julien Denormandie, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp (2020-2022), người đã chuyển sang hành nghề tư nhân và được sự ủng hộ của phe trung tả, cũng đang được bàn luận sôi nổi và đã nhiều lần được đề xuất với Tổng thống Macron. Theo đó, ông Macron “có thiện cảm với ông ấy” nhưng rõ ràng vẫn chưa quyết định - hoặc nhận được phản hồi tích cực từ ông Denormandie.
Ngoài ra, mặc dù mối quan hệ giữa ông Macron và bà Borne không phải tốt nhất, nhưng Thủ tướng Borne nhận được sự ủng hộ đáng kể từ đa số trong quốc hội, những người đánh giá cao khả năng đảm bảo sự đoàn kết và nghi ngờ liệu điều này có thể tiếp tục với một người quá cánh hữu hay không.
Khi được hỏi về hình ảnh của bà Borne, bị sứt mẻ bởi cải cách hưu trí và việc sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp - cho phép ngân sách nhà nước, ngân sách an sinh xã hội và cải cách lương hưu được thông qua mà không cần bỏ phiếu - các nguồn tin tương tự lưu ý rằng chính phủ của bà Borne đã làm tốt nhất có thể.
Quốc hội Pháp đã thông qua gần ba mươi văn bản luật mặc dù không có đa số tuyệt đối kể từ cuộc bầu cử năm 2022. Trong những trường hợp này, một bộ trưởng gần đây nói rằng bà Borne là “sự tổng hợp tốt của các quan điểm khác nhau” của đa số.
Do đó, khi mọi thứ ổn định, bà Borne sẽ là “không thể thay thế”, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng ít người có “hứng thú với công việc này”, bằng chứng là sự từ chối của Christine Lagarde và Véronique Bédague – Giám đốc điều hành của tập đoàn bất động sản Nexity – và nghị sĩ Valérie Rabault.
Các nguồn tin lưu ý, mặc dù Thủ tướng Borne dường như sẽ tiếp tục tại vị, một cuộc cải tổ nội các vẫn có thể diễn ra. Một số bộ trưởng và quan chức có thể bị thay thế, ví dụ như Pap Ndiaye, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, người được coi là quá thận trọng đối với một số vấn đề về giáo dục, và Marlène Schiappa, Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Kinh tế xã hội và Đoàn kết, người đã dính líu đến những nghi ngờ về việc phân bổ công quỹ sai mục đích.