Ngày 10/10, Thủ tướng, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã có các cuộc tham vấn quan trọng với Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tại Doha. Trên mạng xã hội X, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei cho biết nội dung tham vấn bao trùm là tình hình xung đột ở khu vực. Người phát ngôn này nêu rõ quan điểm của Iran rằng các nước cần phải tăng cường nỗ lực tối đa để ngăn chặn xung đột ở Dải Gaza và Liban trở thành thảm họa thảm khốc.
Trong chuyến thăm Qatar lần này, dự kiến, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran sẽ thảo luận với giới chức nước chủ nhà về tình hình ở Gaza, Liban và những nỗ lực giảm căng thẳng trong khu vực.
Hồi tuần trước, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cũng có chuyến công du đến Qatar, trong đó khẳng định Tehran không muốn xung đột với Israel, song sẽ có hành động mạnh mẽ nếu Israel đáp trả vụ loạt tên lửa của Iran phóng về phía lãnh thổ Israel.
Dẫn các nguồn tin thân cận với vấn đề trên, đài truyền hình CNN cho biết mối lo ngại của Iran xuất phát từ sự không chắc chắn về việc liệu Mỹ có thể thuyết phục Israel không tấn công các cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Iran hay không, trong bối cảnh các lực lượng dân quân thân với Iran trong khu vực như Hezbollah và Hamas đã bị suy yếu đáng kể bởi các hoạt động quân sự của Israel trong những tuần gần đây.
Trước đó, Mỹ đã tham vấn với Israel về cách thức nước này phản ứng với cuộc tấn công ngày 1/10 của Iran. Các quan chức Mỹ nêu rõ họ không muốn Israel nhắm vào các cơ sở hạt nhân hoặc mỏ dầu của Iran. Ngày 9/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm lần đầu tiên sau gần 2 tháng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thảo luận về các giải pháp đáp trả. Tuy nhiên, người đồng cấp Israel khẳng định hành động đáp trả của Israel ‘phải ngang bằng” với những gì Iran gây ra.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao Arab cho hay các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain và Qatar, cũng đã bày tỏ lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng của Israel vào các cơ sở dầu mỏ của Iran có thể gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế và môi trường cho toàn bộ khu vực.
Chính quyền Tổng thống Biden lo ngại các cuộc tấn công trả đũa có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực lớn kéo theo cả Mỹ vào cuộc.
Một phần nguyên nhân gây ra nỗi lo ngại này là sức ảnh hưởng của Mỹ đối với Israel dường như đang suy yếu dần trong năm qua. Giống các hoạt động ở Gaza, Israel ngày càng phớt lờ lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ ở Liban. Israel cũng không tham khảo ý kiến của Mỹ trước khi tiến hành một cuộc tấn công lớn bằng việc kích nổ hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên Hezbollah, hoặc trước khi ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ở Beirut.
Trong một tuyên bố ngày 11/10, Israel tiết lộ nội các an ninh nước này vẫn chưa đưa ra quyết định về cách tiến hành phản ứng với Iran. Tính đến tuần trước, Israel vẫn chưa đưa ra bất kỳ đảm bảo nào rằng họ sẽ không nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Ngày 9/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ tới Iran về phản ứng của nước này. "Cuộc tấn công của chúng tôi sẽ mạnh mẽ, chính xác và trên hết là gây bất ngờ. Họ sẽ không hiểu chuyện gì đã xảy ra và xảy ra như thế nào", Bộ trưởng Gallant nói.
Một nhà ngoại giao Arab cho biết nhìn chung, các quốc gia vùng Vịnh đều muốn đứng ngoài cuộc xung đột. Trong khi Iran công khai cảnh báo bất kỳ bên nào được coi là hỗ trợ Israel sẽ bị coi là kẻ xâm lược, thì cũng không có khả năng các nước láng giềng của Iran sẽ công khai bảo vệ Tehran trong trường hợp bị Israel tấn công.
Saudi Arab, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Qatar khẳng định họ sẽ không cho phép Israel sử dụng không phận của mình để tấn công Iran. Jordan cũng sẽ bảo vệ không phận của mình khỏi bất kỳ sự xâm nhập trái phép nào.
Về phần mình, Mỹ tin rằng Iran không muốn vướng vào một cuộc chiến toàn diện với Israel. Một quan chức tiết lộ Mỹ vẫn thúc giục Tehran, thông qua các kênh liên hệ ngầm, để điều chỉnh phản ứng của mình trong trường hợp Israel tấn công.