Càng gần đến ngày 2/8, khi tiết trời sắp chuyển sang thu, thủ đô Oasinhtơn xem ra lại càng nóng hơn. Nóng không phải do tăng trưởng cao hay do chính sách kinh tế mới gây tranh cãi, mà nóng bởi tranh chấp chính trị liên quan tới nợ công và chi tiêu. Vụ so găng dưới tên gọi “Trận quyết đấu vì nợ quốc gia” đang tới cao trào. Chỉ còn 2 tuần nữa để Nhà Trắng và các nghị sĩ Dân chủ cũng như Cộng hòa tìm được tiếng nói chung về nâng trần giới hạn nợ, nếu không nước Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản. Vì sao phải nâng trần nợ công? Theo luật hiện hành, giới hạn tổng số nợ liên bang của Mỹ được quy định ở mức 14.290 tỷ USD. Nhưng đến ngày 16/5 vừa qua, nợ công của Mỹ đã kịch trần, buộc Bộ Tài chính nước này phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giúp chính quyền của Tổng thống Barack Obama cầm cự đến ngày 2/8 tới. Sau thời hạn đó, nếu Hạ viện không ủng hộ phá ngưỡng trần nợ công, Bộ Tài chính không thể phát hành thêm trái phiếu để trang trải các khoản chi tiêu và khi đó, chính phủ Mỹ sẽ không có khả năng thực hiện một số nghĩa vụ tài chính và lâm vào cảnh vỡ nợ. Điều đó sẽ đẩy các thị trường tài chính lao dốc và đe dọa kéo nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lại hố sâu suy thoái.
Một đồng hồ đếm nợ công ở Mỹ. Ảnh: Internet |
Vì thế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, bất chấp gánh nặng nợ đang ở ngưỡng nguy hiểm, Mỹ phải tăng mức trần nợ công nhằm tránh nguy cơ không trả được nợ và gây cú sốc nghiêm trọng cho kinh tế Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu.
Tổng thống Barack Obama cũng cảnh báo giới hạn nợ công không được nâng lên sẽ khiến các nhà đầu tư hoài nghi về giá trị tín dụng của Mỹ và kinh tế Mỹ sẽ phải hứng chịu một cú sốc còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng 2008 - 2009.
Tuy vậy, ngay cả khi người đứng đầu nước Mỹ đã lên tiếng và thậm chí đưa ra tối hậu thư, các nghị sĩ Cộng hòa xem ra chẳng việc gì phải “sợ”, dù cho họ cũng đồng ý với Tổng thống của đảng Dân chủ rằng: Giới hạn nợ phải được nâng lên. Vậy tại sao phe Cộng hòa tại quốc hội không thông qua ngay đề nghị nâng trần nợ công?
Trận đấu quyết liệt
Tháng trước, Hạ viện Mỹ đã bác dự luật cho phép nâng trần nợ công thêm 2.400 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Obama. Mâu thuẫn then chốt giữa đảng Cộng hòa (kiểm soát Hạ viện) và đảng Dân chủ (chiếm đa số tại Thượng viện) xoay quanh các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách. Điều kiện tiên quyết mà phe Cộng hòa đặt ra cho việc ủng hộ nâng trần nợ là phải có một thỏa thuận cắt giảm chi tiêu đáng kể. Những người Dân chủ lại cho rằng việc cắt giảm chi tiêu phải thực hiện một cách thận trọng để bảo vệ chương trình phúc lợi xã hội dành cho người nghèo và người cao tuổi, và đảm bảo không cản trở sự phục hồi kinh tế. Nhưng hai bên không thể đi tới thỏa thuận do bất đồng gay gắt về việc đánh thuế. Các nghị sĩ Cộng hòa kiên quyết phản đối tăng thuế, còn phía Dân chủ lại cho rằng đây phải là một phần trong bất kỳ thỏa thuận nào.
Có quan điểm cho rằng phe Cộng hòa chưa chấp thuận đề xuất nâng mức trần nợ công là do Bộ Tài chính Mỹ áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm cứu vãn tình hình tới ngày 2/8 tới. Nhưng phần đông dư luận dự đoán những người Cộng hòa cuối cùng sẽ không để chính phủ rơi vào cảnh mất khả năng thanh toán nợ, chẳng qua họ muốn “câu giờ” để mặc cả với đảng Dân chủ, với hy vọng thu về những lợi ích tạo điều kiện thuận lợi để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2012. Đảng Cộng hòa xem ra cũng không thể thay đổi được hiện thực là mức trần nợ công phải được nâng lên, vì một nước lớn như Mỹ bị phá sản là điều không thể tưởng tượng. Những người Cộng hòa liệu có gánh nổi trách nhiệm này (?).
Sắp hạ nhiệt
Những năm gần đây, chủ đề nợ công nóng lên không chỉ một lần và lần nào cũng vậy, câu hỏi được tháo gỡ bằng cách nâng trần nợ. Nhưng hiện nay, trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, bất kỳ vấn đề kinh tế nào cũng sẽ là đối tượng của cuộc mặc cả chính trị và không thể dễ dàng giải quyết như trước. Sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng (trong việc tìm giải pháp cho chính sách tài chính dài hạn) khó có thể dàn xếp cho đến sau cuộc bầu cử năm 2012, khi sự cạnh tranh để giải quyết các vấn đề lớn sẽ trở thành vũ khí để hạ gục đối thủ. Tuy nhiên, từ nay đến trước ngày 2/8 tới, cuộc chiến giữa thiện và ác (Armageddon - như cách Tổng thống Obama gọi) phải tạm hạ màn, các “đấu sĩ xuất sắc” sẽ phải tra lại kiếm vào vỏ khi ưu tiên trước mắt là tránh vỡ nợ.
Rốt cuộc, giới hạn nợ công của Mỹ sẽ được nâng, ít nhất là trong ngắn hạn. Dù thích ý tưởng này hay không, đây có lẽ là vũ khí duy nhất Quốc hội Mỹ có thể sử dụng vào lúc này. Trong trường hợp bất khả kháng, Hiến pháp Mỹ có điều khoản cho phép trong hoàn cảnh nguy cấp, Tổng thống có thể tự quyết định nâng trần nợ. Như vậy, mọi câu chuyện liên quan đến kinh tế Mỹ sau ngày 2/8 sẽ hạ hồi phân giải.
Nguyệt Ánh