Những con đường nghẹt thởBác tài Raju lái xe lam tại Bangalore chia sẻ về “luật lệ đường phố” địa phương: “Trong 60 giây bạn phải cân nhắc 70 giải pháp. Chúng tôi chuẩn bị cho mọi thứ, chỉ khi đó để đưa ra dự đoán. Chúng tôi luôn sẵn sàng trước khả năng chiếc ô tô ở phía trước rẽ trái, phải hoặc phanh đột ngột”.
Các chú voi đi lại trên đường phố Ấn Độ. |
“Nhiều người đi bộ bất ngờ băng qua đường, khỉ, voi và các loài gia súc nữa. Đó là một phần của hệ thống giao thông và chúng tôi luôn phải theo dõi”, bác tài Raju bộc bạch. Ông Raju nhận định rằng cách đây 15 năm, tốc độ trung bình tại Bangalore là 40km/h nhưng ngày nay con số này đã giảm xuống chỉ còn 10km/h.
Đài BBC (Anh) đánh giá tại Ấn Độ, không một mét đường nào để “lãng phí”, với bất cứ chỗ trống nào, các xe máy cũng sẽ luồn lách vào để đi.
“Triết lý” lái xe của ông Raju được coi là một sản phẩm của tình trạng gia tăng dân số và sở hữu xe cộ tại các đô thị Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2013, dân số và lượng sở hữu xe tại các thành phố nước này đã tăng gấp 4 lần. Điều này vượt quá khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng của chính phủ, buộc người dân Ấn Độ phải tự thích nghi.
Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Ấn Độ mà còn hiện hữu ở Trung Quốc, Brazil và Philippines.
Nhưng đối với các nhà nghiên cứu và công ty công nghệ, những con đường giao thông hỗn loạn tại Ấn Độ là địa điểm thử nghiệm lý tưởng để tìm ra hướng giải quyết vấn nạn tắc nghẽn.
Xe tự láiXe tự lái đang được đặt hy vọng giúp giao thông thông suốt và tối ưu hóa các hành trình. Những chiếc xe thông minh có thể tự liên lạc với nhau, cảm nhận được chướng ngại vật và tạo dòng lưu thông có tổ chức hơn.
Công ty thiết kế Tata Elxsi đã tạo ra hệ thống tự lái có thể trang bị vào bất cứ chiếc xe nào. Tata Elxsi đã tiến hành thử nghiệm hệ thống tại trụ sở công ty ở Bangalore.
Cảnh tắc đường trong giờ cao điểm. |
Tata Elxsi đã "huấn luyện" hệ thống của họ từ dữ liệu của các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Karlsruhe ở Đức. Những chiếc xe được trang bị camera độ phân giải cao, cảm biến Lidar và hệ thống định vị toàn cầu GPS, radar dùng đèn laser để đo khoảng cách… Tuy nhiên, trên thực tế đường phố tại Ấn Độ có nhiều chướng ngại vật mà ở Đức không có. Do vậy, BBC đánh giá rằng nếu công nghệ xe tự lái vượt qua được thử thách tại đường phố Ấn Độ thì nó sẽ trở nên an toàn và hoàn thiện hơn.
Công nghệ cách mạng
Ngoài ra, phó giáo sư Lelitha Devi tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Chennai cũng đang nghiên cứu về hệ thống giao thông thông minh (ITS) mang khả năng cải thiện được giao thông không chỉ ở Ấn Độ mà còn nhiều quốc gia khác.
Bà Devi nói: “Ở phương Tây, hai chiếc xe nối tiếp nhau đều duy trì khoảng trống tối thiểu khi tắc nghẽn. Nhưng tại Ấn Độ, bất cứ khoảng trống nào cũng có các phương tiện len vào”. Một số mô hình thử nghiệm đã cho kết quả khi sử dụng dữ liệu GPS từ các xe buýt tại Chennai để dự đoán thời gian đến.
Một phương pháp phổ biến khác là mạch cảm ứng. Dây điện được đặt dưới mỗi làn đường và khi phương tiện di chuyển, từ trường của dây bị ảnh hưởng, tạo ra tín hiệu truyền tới máy tính. Hiện tại nhóm của bà Devi đang thiết kế để hệ thống này phù hợp với tình hình ở Ấn Độ.
Nhóm của bà Devi còn nhắm đến khả năng dự báo để trong tương lai đèn giao thông sẽ hoạt động thông minh dựa trên dòng lưu thông thay vì dựa vào thời gian được lập trình sẵn như hiện nay.
BBC đánh giá những dự án này khá ấn tượng nhưng chúng mới ở giai đoạn sơ khai do vậy vẫn khó để thuyết phục các nhà hoạch định thành phố áp dụng chúng. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội thúc đẩy công nghệ này. Được biết một trong những sáng kiến của Thủ tướng Narendra Modi là Thành phố Thông minh 15 tỉ USD nhằm mục đích sử dụng dữ liệu để chuyển hóa mọi thứ từ giao thông tới vệ sinh.