Công nhân làm việc tại công trường xây dựng ở Frankfurt, Đức ngày 5/8. Ảnh: EPA/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn đánh giá của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) nhận định động lực cho sự tăng tưởng mạnh mẽ của nền kinh tế đầu tàu châu Âu là do nhu cầu tiêu dùng trong nước và hoạt động xuất khẩu tăng mạnh.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua và rủi ro toàn cầu của các công ty trong các ngành chế tạo và chế biến lại giảm. Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) cho thấy các ngành sản xuất đang vận hành với công suất cao, giá cả hàng hóa và tiền lương người lao động cũng tăng lên đáng kể nhưng không có dấu hiệu phát triển quá nóng. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức năm nay là 5,7% và dự báo sẽ còn giảm xuống 5,2% vào năm 2019.
Mặc dù thị trường lao động có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong thời gian dài, song mức lương mới chỉ tăng nhẹ trong thời gian gầy đây. Áp lực về chi phí cho các công ty và giá cả hàng hoá và dịch vụ sản xuất hầu như không thay đổi. Tỷ lệ lạm phát năm này là 1,7%, cao hơn đáng kể so với năm ngoái.
Trong những năm tiếp theo, DIW dự báo xuất khẩu và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm, động lực của thị trường lao động cũng sẽ chậm lại. Dự báo số lượng việc làm mới trong năm 2019 sẽ không quá 300.000, chưa bằng một nửa so với con số 650.000 việc làm năm 2017. Do đó, thu nhập hộ gia đình sẽ không tăng mạnh như năm 2017 và hai năm trước đó, trong khi tiêu dùng cá nhân sẽ dần dần suy yếu trong thời gian dự báo.
Dự báo thặng dư tài chính của Đức sẽ đạt 47 tỷ euro (tương đương 55,5 tỷ USD) trong năm 2017 và sẽ tăng lên 54 tỷ euro (63,8 tỷ USD) vào năm 2019. Tuy nhiên, phần lớn thặng dư ngân sách nhà nước là do tình hình kinh tế thuận lợi và khu vực công hiện đang hưởng lợi từ lãi suất thấp bất thường. Khi chính sách tiền tệ được bình thường hoá, các khoản tiết kiệm gắn với lãi suất thấp sẽ dần dần giảm xuống.
Tuy nhiên, tăng trưởng thực tế có thể cao hơn vì chính sách tài chính có khả năng giúp duy trì đà tăng trưởng tốt hơn dự báo. Bất kể chính trường Đức diễn biến ra sao, chính phủ mới nào cũng có thể tận dụng lợi thế đáng kể cho việc cơ cấu tài chính, giảm thuế và đóng góp an sinh xã hội một cách đáng kể, hoặc tăng thanh toán chuyển tiền. Nền kinh tế Đức có thể phát triển ở mức cao hơn nhiều nếu nhà nước thực hiện các biện pháp bổ sung.
Xét đến tác động từ bên ngoài, nếu Mỹ chấm dứt các hiệp định thương mại, các nhà xuất khẩu Đức cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc thắt chặt trong dòng hàng quốc tế - một kịch bản mà dự báo hiện tại không xem xét. Việc Liên minh châu Âu (EU) và Anh không đạt được thỏa thuận thương mại sau khi khi London rút khỏi này cũng sẽ làm suy yếu các nền kinh tế khu vực.
Ngoài ra, trong bối cảnh chính sách tiền tệ mở rộng, việc tăng lãi suất nhanh hơn dự báo tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của ngân hàng ở nhiều quốc gia. Điều này sẽ làm suy yếu đáng kể các nền kinh tế châu Âu và Đức.