Ngoại trưởng nước chủ nhà Chrystia Freeland khẳng định đây là “thời khắc lịch sử” khi lần đầu tiên các nữ Ngoại trưởng của thế giới gặp nhau tại một hội nghị chính thức.
Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, đồng chủ trì hội nghị, đánh giá Hội nghị các nữ Ngoại trưởng lần này có thể là nguồn cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới. Hội nghị đã tập trung thảo luận về các chủ đề: phụ nữ tham chính và vị trí lãnh đạo; tăng cường dân chủ; thúc đẩy hòa bình, an ninh; và chấm dứt nạn bạo lực giới.
Theo báo cáo năm 2017 của Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) và Liên minh nghị viện thế giới (IPU), tính trên quy mô toàn cầu, 7,2% người đứng đầu nhà nước và 5,7% người đứng đầu chính phủ là phái yếu. Hiện các quốc gia Bắc Âu đang dẫn đầu về tỷ lệ phụ nữ tham gia nghị viện (41,4%), trong khi tại các quốc gia châu Á và các nước Arab, con số này dao động trong khoảng 18-20%. Đáng chú ý, phụ nữ chiếm tới 61% số ghế trong Quốc hội của Rwanda.
Các chính phủ đã nhận thấy cần có sự thay đổi theo hướng “toàn diện” hơn. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hồi tháng 6/2018 đã công bố một nội các với 11 nữ và 6 nam. Năm 2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng công bố thành phần nội các với một nửa là các “bóng hồng”.
Đặc biệt, Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Taro Kono cũng tham gia một số sự kiện tại Hội nghị các nữ Ngoại trưởng lần này, với tư cách khách mời. Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy quan điểm tích cực của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong việc thúc đẩy các biện pháp nhằm nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Mặc dù chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu kiến tạo một xã hội nơi mọi phụ nữ có thể tỏa sáng, nhưng nội các Nhật Bản hiện mới chỉ có hai nữ Bộ trưởng.
Ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ đang chứng minh rằng họ có thể gánh vác trách nhiệm phát triển kinh tế-xã hội, cũng như tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Thế giới cũng đang chứng kiến sự ủng hộ ngày càng tăng đối với những mục tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.