ên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên được phóng tại một địa điểm bí mật ngày 28/7. Ảnh: EPA/TTXVN |
Giới chức quân đội Hàn Quốc thông báo hiện chưa phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sắp tiến hành phóng tên lửa hoặc có hành vi khiêu khích khác. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra khả năng Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo từ các bệ phóng di động vào bất cứ thời điểm nào.
Trong khi đó, một quan chức chính phủ cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân tại đường hầm số 3 hoặc 4 của bãi thử Punggye-ri và khả năng sẽ có hành động khiêu khích vào đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên.
Trong một bài xã luận nhân dịp kỷ niệm, báo Rodong Sinmun, cơ quan phát ngôn của Đảng Lao động Triều Tiên, cho rằng vũ khí hạt nhân giúp nước này bảo đảm an ninh tốt hơn, đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ phát triển thêm nhiều vũ khí tiên tiến cũng như tiếp tục đột phá, như vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi tháng 7 vừa qua.
Ngày 3/9 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn vào ICBM. Nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ 6 này của Bình Nhưỡng, Mỹ, Hàn Quốc và một số nước khác đang thúc đẩy Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua lệnh trừng phạt mạnh tay hơn, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên và phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Mỹ đã chính thức đề nghị HĐBA LHQ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/9 tới để thông qua dự thảo nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 8/9 đã nhất trí hai nước sẽ cùng thúc đẩy HĐBA LHQ thông qua dự thảo nghị quyết trên.
Trong cuộc điện đàm diễn ra 20 phút giữa 2 lãnh đạo trên, Thủ tướng Abe nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần gia tăng “sức ép tối đa” với Triều Tiên trước mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Bày tỏ ủng hộ quan điểm của Tokyo, Tổng thống Macron nói rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa đối với toàn thế giới, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải đối phó với vấn đề này bằng một biện pháp kiên quyết.
Trong số 15 ủy viên của HĐBA LHQ, Pháp là một trong 5 thành viên thường trực, trong khi Nhật Bản hiện là thành viên không thường trực của hội đồng.