Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo hãng tin Kyodo, phát biểu với báo giới tại thành phố Misawa, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những biện pháp trừng phạt mới nhất của Washington, cho rằng bước đi này sẽ giúp gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, phát biểu trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon tại Washington, cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Kentaro Sonoura cũng khẳng định sự ủng hộ của Nhật Bản đối với việc Mỹ áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Tại cuộc gặp này, hai bên cũng nhất trí tiếp tục duy trì sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng.
Nga kêu gọi đối thoạiTrong khi đó, từ Moskva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov kêu gọi tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Nga về vấn đề Triều Tiên. Ông cũng nhắc lại việc Moskva đã gửi lời mời đối thoại đến ông Joseph Yun, Đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên, song cho biết thời điểm đối thoại vẫn đang được thảo luận. Nhà ngoại giao Nga đồng thời nhắc lại lời kêu gọi đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện ) Nga Leonid Slutsky cảnh báo Triều Tiên có thể coi lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc chuyển sang “giai đoạn hai” nếu các lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng không có hiệu quả là một lời đe dọa chiến tranh hạt nhân.
Ông Slutsky nêu rõ: “Đây là một tuyên bố gây hấn đầy nguy hiểm. Các nước, trong đó có Triều Tiên, có thể sẽ xem đây là một tuyên bố về ý định tiến hành một chiến dịch quân sự có sử dụng vũ khí hạt nhân”. Ông khẳng định Nga không bao giờ ủng hộ việc Triều Tiên tự xưng là quốc gia hạt nhân, song Moskva chỉ ủng hộ giải pháp ngoại giao - chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó một ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố gói biện pháp trừng phạt mà bộ này gọi là "lớn nhất từ trước tới nay" nhằm vào Triều Tiên. Theo đó, gói trừng phạt mới nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên "lách" các biện pháp trừng phạt hiện hành. Tài sản và lợi ích của các công ty và thực thể này cũng bị phong tỏa trên lãnh thổ Mỹ hoặc trong quyền kiểm soát quốc gia của Mỹ; mọi hoạt động giao dịch giữa các bên cũng bị phong tỏa.
Các biện pháp này nằm một phần trong chiến dịch do Mỹ đứng đầu nhằm "gây áp lực tối đa" với Triều Tiên cho đến khi nước này đồng ý thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, Triều Tiên đến nay luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là vấn đề "không thể thương lượng".
Hiện, Mỹ đã áp đặt hơn 450 biện pháp trừng phạt Triều Tiên, với khoảng một nửa số trong đó được áp dụng trong năm 2017.