Phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này đã triệu Đại sứ Hàn Quốc Yun Duk Min để phản đối việc bồi thường, đồng thời cho rằng tranh chấp lao động cưỡng bức đã được giải quyết từ trước.
Ông Hayashi nêu rõ, việc bồi thường tổn thất gây bất lợi tập đoàn Hitachi Zosen, do đã vi phạm một hiệp ước năm 1965. Theo đó, hiệp ước bao gồm gói bồi thường khoảng 800 triệu USD dưới dạng tài trợ và các khoản vay lãi suất thấp, đổi lại các nạn nhân sẽ không được khởi kiện.
Tháng 1/2019, một tòa án ở Seoul đã ra phán quyết yêu cầu tập đoàn Hitachi Zosen phải nộp số tiền bồi thường 50 triệu won và khoản lãi để bù đắp cho gia đình nạn nhân. Tháng 12 năm ngoái, Tòa án tối cao Hàn Quốc quyết định giữ nguyên phán quyết này của tòa phúc thẩm.
Theo luật sư đại diện, gia đình nạn nhân đã nhận 60 triệu won (44.830 USD) từ Tòa án quận trung tâm thủ đô Seoul hôm 20/2 - là khoản tiền ký gửi thế chấp của tập đoàn Hitachi Zosen. Đây là khoản tiền đầu tiên và duy nhất của một công ty Nhật Bản liên quan vấn đề cưỡng bức lao động thời chiến nộp cho một tòa án Hàn Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk cho biết thủ tục bồi thường cho gia đình nạn nhân họ Lee nói trên phù hợp với luật pháp và các quy định liên quan. Người phát ngôn này khẳng định Chính phủ Hàn Quốc không thay đổi lập trường sử dụng quỹ trong nước nói trên để bồi thường cho các nạn nhân.
Theo dữ liệu từ Seoul, có khoảng 780.000 người Hàn Quốc đã bị Nhật Bản cưỡng bức lao động thời chiến, không bao gồm phụ nữ đã bị quân đội Nhật Bản ép làm nô lệ tình dục.
Động thái này diễn ra khi mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo gần đây đang có dấu hiệu ấm lên, khi lãnh đạo hai bên đang dần nối lại các cuộc đàm phán cấp cao thường xuyên.