Hội nghị thảo luận tình hình và phương hướng hợp tác Mekong - Nhật Bản. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp các nỗ lực chung chống dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế. Hội nghị nhất trí thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, bảo đảm tiếp cận vaccine kịp thời và hiệu quả; tăng cường kết nối khu vực, thúc đẩy thương mại, đầu tư và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong; phát triển hạ tầng chất lượng cao; thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ.
Tai hội nghị, Bộ trưởng Motegi khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước khu vực sông Mekong trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Theo Bộ trưởng Motegi, Nhật Bản đã và đang thúc đẩy triển khai các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực với tổng trị giá 9 tỷ USD; cung cấp 5,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, 700 máy tạo oxy, cùng với 750 triệu Yen (6,8 triệuUSD) hỗ trợ xây dựng hệ thống bảo quản lạnh dành các cho các nước Mekong.
Các bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho các nước Mekong, đặc biệt trong ứng phó đại dịch COVID-19, cũng như ghi nhận những kết quả đạt được của hợp tác trong triển khai Chiến lược Tokyo 2018, Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong 2.0, Sáng kiến Mekong - Nhật Bản về các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030.
Liên quan tới tình hình ở Myanmar, Bộ trưởng Motegi đã tái khẳng định coi Đồng thuận 5 điểm đạt được tại Hội nghị Cấp cao ASEAN là bước đi đầu tiên hướng tới việc chấm dứt bạo lực và bắt đầu đối thoại, đồng thời hoan nghênh việc ASEAN bổ nhiệm ông Dato Erywan, Bộ trưởng Ngoại giao thứ 2 của Brunei, làm đặc phái viên về Myanmar. Ông cũng kêu gọi Myanmar sớm chấp nhận đặc phái viên của ASEAN và cho phép đặc phái viên bắt đầu đối thoại với tất cả các bên.
Các nước khu vực sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.