Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố chủ trương cho phép xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý để hạ nồng độ Triti ở mức 1.500 becquerel/l - tương đương 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với nước uống ra biển vào tháng 4/2021, TEPCO đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó bao gồm việc xây dựng đường hầm kết nối với khu chứa nước thải, có chiều dài 1 km tính từ bờ biển và cách mặt nước 12m hướng về phía Đông Thái Bình Dương. Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử Nhật Bản đánh giá kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của TEPCO đảm bảo tính an toàn - đồng nghĩa kế hoạch này đủ điều kiện thông qua trên thực tế. Theo quy định, kế hoạch xả thải sẽ được đưa ra trưng cầu ý kiến người dân trong thời gian tới, trước khi được cơ quan này phê duyệt chính thức.
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ hai nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ. TEPCO đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác ngoài chất Triti không thể phân tách. Nước sau khi xử lý được tích trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và đến tháng tháng 5/2022 đã đạt 1,3 triệu tấn, gần đạt sức chứa tối đa là 1,37 triệu tấn.