Nhà vệ sinh - nỗi buồn khó nói của phụ nữ Ấn Độ!

Tại Ấn Độ, tính trung bình cứ 3 hộ gia đình thì mới có một hộ có nhà vệ sinh – một tình cảnh gây ra những mối hiểm họa lớn đối với phụ nữ nước này, những người thường xuyên bị tấn công khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

Việc thiếu thốn điều kiện vệ sinh luôn là mối quan ngại tại đất nước đông dân thứ 2 thế giới này. Những người cổ vũ cho sự thay đổi hy vọng sẽ có tiến triển mới khi Liên hợp quốc phát động Ngày nhà vệ sinh thế giới (World Toilet Day), ngày 19/11/2013 - một chiến dịch giúp nâng cao nhận thức của mọi người về một thực tại: 2,5 tỉ người trên toàn cầu hiện sống trong cảnh không có nhà vệ sinh! 

Các nhà hoạt động tại Ấn Độ tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, vì phụ nữ Ấn Độ thường là đối tượng hơn ai hết thấu hiểu tình cảnh vệ sinh tồi tàn, trong khi nhiều tổ chức phi chính phủ thì cũng đã thiết kế ra các buồng vệ sinh công cộng an toàn, chi phí thấp, có thể dễ dàng tiếp cận.

Phụ nữ tại Bhalswa thường đi vệ sinh theo nhóm để được an toàn. Ảnh: WSJ


Một công dân Bhalswa (bang Delhi) cho biết: “Những nhà vệ sinh như vậy bị phá bục để cho đám công nhân xây dựng nhòm ngó, quấy rầy. Nhiều khi các bà mẹ không nói ra những gì đã xảy đến với con gái mình, vì lo sợ sẽ gặp phải khó khăn lúc gả chồng”.

Đơn cử như tại Bhalswa, có 2 nhà vệ sinh công cộng phục vụ 1.000 người. Phụ nữ phải đi theo từng nhóm, đến vào buổi sáng để chờ sử dụng các buồng vệ sinh dơ bẩn, vì đó là quãng thời gian an toàn nhất. Thế nhưng chừng đó cũng chưa đủ. Họ vẫn thường xuyên bị chòng ghẹo, bắt cóc và tấn công. Các quan chức địa phương cho biết, những vụ việc như vậy xảy ra ít nhất 1 lần/tháng. Còn tại Bawana, nơi mà chỉ có 1 nhà vệ sinh công cộng cho 300 nhân khẩu, mối nguy hiểm tương tự cũng luôn rình rập. Afsana, một phụ nữ trẻ nói với các phóng viên rằng: “Đám đàn ông thường tụ tập bên ngoài nhà vệ sinh, và nếu chúng tôi lơ đễnh, tụi họ thường sán đến, sờ soạng”.

Phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi phải sử dụng nhà xí này, vì chúng được thiết kế không có mái, cửa sổ thì thấp tè. Và thế là để khỏi bị tấn công, quấy rối tình dục, nhiều phụ nữ lựa chọn cách đi vệ sinh "lộ thiên", một xu hướng ngày càng tăng đến độ các chuyên gia đã hài hước nói rằng “Ấn Độ là thủ đô toàn cầu về kiểu phóng uế giữa thiên nhiên”. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), có đến 53% hộ gia đình tại Ấn Độ lựa chọn cách "xả thải” này - một nguyên nhân gây ra nhận thức lệch lạc, làm lây lan bệnh dịch, kìm hãm phát triển ở trẻ nhỏ và ô nhiễm nguồn nước.

Trong khi chính phủ thường lơ là việc cải thiện điều kiện vệ sinh, thì một số chính trị gia đã bắt đầu lên tiếng. Phát biểu tại một sự kiện cho giới trẻ, ông Narendra Modi, ứng cử viên của đảng BJP tranh cử chức Thủ tướng tới đây đã công khai tuyên bố về sự cần thiết phải cải thiện hệ thống vệ sinh khi nói rằng “nhà vệ sinh trước, đền đài sau”.


Một số nhóm hoạt động cũng đang có những nỗ lực tương tự. Tổ chức Sulabh International đã cung cấp cho 1,2 triệu hộ gia đình ở Ấn Độ hệ thống toilet xả nước kể từ khi được thành lập năm 1970. Người sáng lập Sulabh International Bindeshwar Pathak nói rằng: “Trong một xã hội văn minh, sao lại có thể để những người mẹ, người chị bó buộc phải chọn cách phóng uế giữa môi trường tự nhiên - điều chẳng hề an toàn và có chút lương tâm nào”. Ông này cũng trích lại câu trả lời của cựu Thủ tướng nổi tiếng Độ Nehru: “Khi ở Đức, ngài Nehru – người sau đó trở thành Thủ tướng Ấn Độ, được hỏi: ‘Khi nào thì đất nước các ngài trở thành một quốc gia thịnh vượng?' Ngài Nehru đã đáp rằng, 'khi mà mọi nhà ở Ấn Độ có hệ thống vệ sinh giật nước'”.


HT (WSJ, HuffingtonPost)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN