Kỳ nghỉ Tết kéo dài 1 tuần, bắt đầu từ ngày 12/2 tới, vốn khởi động cho một trong những mùa mua sắm lớn nhất năm tại Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Trung Quốc, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong năm 2019, người dân nước này đã chi tới hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (155 tỷ USD) cho việc mua sắm Tết. Tuy nhiên, Công ty môi giới CITIC Securities cho biết dịch COVID-19 có thể khiến các hộ gia đình giảm tới 23 tỷ USD cho việc mua sắm.
Số ca nhiễm tại Trung Quốc đã giảm kể từ giữa tháng 1 vừa qua, khi số ca mắc COVID-19 mỗi ngày trong cộng đồng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 10 tháng. Người dân đã phải hủy các chuyến bay hoặc kế hoạch trở về quê ăn Tết, sau khi giới chức địa phương siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, trong đó có yêu cầu xét nghiệm COVID-19.
Tình trạng hủy chuyến khiến nguồn thu từ các chuyến bay đến bãi biển du lịch Sanya tại đảo Hải Nam - vốn là địa điểm mua sắm các mặt hàng xa xỉ thu hút rất đông khách du lịch, kể từ khi đại dịch khiến người dân Trung Quốc hạn chế ra nước ngoài, giảm hơn 50%. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính số lượng chuyến đi trong 40 ngày của mùa du lịch Xuân 2021 sẽ giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm hàng triệu người lao động nhập cư thường di chuyển từ các thành phố về quê tại vùng nông thôn.
Tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận trên 2.000 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2,3% trong năm 2020. Đây cũng là nền kinh tế lớn duy nhất tránh được suy giảm kinh tế trong năm qua, trong bối cảnh nhiều nước phải tăng cường kiểm soát đi lại, vốn cũng tác động không nhỏ tới các lễ hội mừng Tết âm lịch tại Trung Quốc.
Các cảnh báo của Chính phủ Trung Quốc đối với việc tụ tập đông người, chẳng hạn như các lễ cưới hoặc bữa tiệc thường niên tại công ty, cũng khiến các chuyến đi bị hủy nhiều hơn. Do nhiều người lựa chọn ở lại thành phố nơi mình làm việc, một số doanh nghiệp đang đầu tư cho các hoạt động chi tiêu trong nội thành nhằm kiếm thêm lợi nhuận, song vẫn đứng trước áp lực giới hạn số lượng khách hàng.