Nguyên nhân Cuba giảm nhập khẩu lương thực Mỹ

Theo thống kê mới công bố của Hội đồng Thương mại và Kinh tế Mỹ - Cuba (UCTEC), xuất khẩu lương thực của Mỹ sang Cuba, vốn là trao đổi thương mại chính yếu giữa hai nước, trong giai đoạn từ tháng 1-9/2015 có xu hướng giảm dần và thấp hơn tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái.


Hoạt động vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa tại cảng Mariel, ngoại ô thủ đô Havana, Cuba ngày 6/10. Ảnh: Reuters/TTXVN.

Riêng trong tháng Tám, Tổng công ty nhập khẩu lương thực và nông sản của Cuba Alimport chỉ thu mua lượng hàng trị giá 2 triệu USD từ Mỹ, giảm mạnh so với con số 14 triệu USD của tháng Bảy. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2015, giá trị xuất khẩu lương thực/nông sản của Mỹ sang Cuba chỉ đạt 124,969 triệu USD. Mặc dù xu hướng giảm có thể đảo chiều trong quý IV do nhu cầu tăng cao dịp cuối năm, thì con số này vẫn khó có thể với tới mức 291,259 triệu USD của năm ngoái.


Lệnh ngừng nhập khẩu gà từ Mỹ của Cuba do lo ngại dịch cúm gia cầm không thể là nguyên nhân duy nhất lý giải cho đà giảm của hoạt động thương mại hai nước, khi La Habana cũng đã giảm nhập khẩu các mặt hàng khác. Trong năm 2014, kim ngạch nhập khẩu ngô Mỹ của Cuba đạt 28 triệu USD, nhưng con số này trong ba quý đầu năm nay mới dừng ở mức 4,8 triệu USD.


Ông John Kaluvich, Chủ tịch UCTEC, nhận định chiều hướng này có thể không chỉ bắt nguồn từ những lợi thế tín dụng mà La Habana có được từ các chính phủ đồng minh, mà có thể từ quyết định của giới chức Cuba chủ động giới hạn mua sắm từ Mỹ nhằm tạo thêm sức ép từ các doanh nghiệp nông sản Mỹ lên các nghị sĩ nước này về việc xóa bỏ cấm vận.


Theo một báo cáo gần đây của một ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ, trong khi kim ngạch nhập khẩu lương thực từ Mỹ của Cuba liên tục sụt giảm từ năm 2009, thì các hoạt động này vẫn khá ổn định với các đối tác khác, đặc biệt là từ Brazil và Liên minh châu Âu (EU).


Trong số các nguyên nhân chính của hiện tượng sụt giảm này, báo cáo trên đã chỉ ra các quy định từ chính phía Mỹ cản trở việc cấp tín dụng cho Cuba trong các hoạt động thương mại, cũng như ý định của La Habana về việc đa dạng hóa mạng lưới nguồn cung và củng cố quan hệ đồng minh với Brazil, Trung Quốc và Việt Nam. Ông Kavulich dẫn chứng rằng hai doanh nghiệp lúa gạo nhà nước của Việt Nam đã đồng ý để Cuba trả chậm tới hai năm - yếu tố ngày càng quan trọng với đảo quốc Caribe này trong bối cảnh thiếu hụt thanh khoản ngoại tệ do đồng minh chủ chốt Venezuela đang rơi vào tình trạng khủng hoảng vì giá dầu thô lao dốc.


Tuy nhiên, đáng chú ý là hoạt động xuất khẩu thuốc của các doanh nghiệp Mỹ sang Cuba đạt mức cao kỷ lục kể từ khi La Habana bắt đầu nhập khẩu mặt hàng này từ nước láng giềng giàu có vào năm 2003 - thời điểm kim ngạch nhập khẩu này chỉ đạt 9.000 USD. Con số này được nâng lên 815.000 USD vào năm 2006 và lần đầu vượt mốc 2 triệu USD vào năm 2013. Chỉ trong thời gian từ tháng 1-8/2015, giá trị nhập khẩu dược phẩm từ Mỹ vào Cuba đã đạt 3,69 triệu USD. Cuba ước tính thiệt hại do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với ngành y tế nước này là 2,541 tỷ USD trong năm qua.


Như vậy có thể thấy Cuba tiếp tục là thị trường tiềm năng của Mỹ trong lĩnh vực sản phẩm y tế và đặc biệt là lương thực/nông sản, trong bối cảnh các cải cách nông nghiệp mà La Habana tiến hành vẫn chưa mang lại nhiều kết quả và hiện Cuba mỗi năm vẫn phải tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD để nhập khẩu lương thực.


Lê Hà (P/v TTXVN tại La Habana)
9 thống đốc Mỹ viết thư đòi bỏ cấm vận Cuba
9 thống đốc Mỹ viết thư đòi bỏ cấm vận Cuba

9 thống đốc bang của Mỹ đã viết thư gửi lãnh đạo Quốc hội yêu cầu xóa bỏ cấm vận đối với đảo quốc Cuba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN