Đại dịch COVID-19 đã “châm ngòi” cho việc đưa ra các giải pháp xây dựng và đổi mới thiết kế cho tất cả các kiến trúc trong tương lai nhằm tuân thủ các biện pháp ngăn chặn virus lây lan, trong đó có các nhà vệ sinh công cộng.
Một số cải tiến được đề xuất bao gồm lắp đặt vòi cảm biến, buồng tự làm sạch hoàn toàn, thiết kế lối ra không tiếp xúc và không cần đến nhân viên dọn vệ sinh.
Nhiều người ủng hộ những ý tưởng này cho rằng họ sẽ cải thiện vệ sinh bằng cách giảm thiểu mức độ tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ lây lan virus và tạo niềm tin với công chúng về việc đảm bảo vệ sinh của các tiện ích công cộng. Một số ý kiến khác cho rằng hiệu quả của những cải tiến này thậm chí còn giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thừa nhận những thiếu sót của thiết kế nhà vệ sinh công cộng thông thường. Tổ chức này đã khuyến nghị nên rửa tay sau khi rời khỏi nhà vệ sinh công cộng vì mọi người thường chạm vào một số bề mặt như vòi nước và tay nắm cửa – những vật dụng có thể lây lan virus SARS-CoV-2.
Ông Peter Collignon, Giáo sư về Bệnh truyền nhiễm và vi trùng học tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết bề mặt vòi nước và tay nắm cửa là một vấn đề của các nhà vệ sinh công cộng.
“Phương thức lây lan của virus SARS-CoV-2 chủ yếu là qua các giọt bắn nước bọt. Virus có thể tồn tại trên các bề mặt và lây lan khi con người tiếp xúc với các đồ vật này. Bên cạnh đó, virus cũng lây lan qua đường tiêu hóa khi tồn tại trong phân người. Vì vậy, chúng ta cần phải có các biện pháp đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt đối với các nhà vệ sinh công cộng khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Việc thiết kế nhà vệ sinh công công không tiếp xúc, lắp đặt các vòi nước cảm biến là rất quan trọng”, ông Collignon nói.
Ông Collignon, từng là cố vấn các ủy ban chuyên gia của WHO, cũng khuyến nghị mọi người nên sử dụng nước rửa tay sau khi rời khỏi nhà vệ sinh vì một số bề mặt như vòi nước và cửa ra vào có nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 rất cao.
“Đây là thời gian để suy nghĩ lại nhiều thứ, nhà vệ sinh cộng cộng là một trong số đó. Cho đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 và tỷ lệ các loại virus lây truyền qua đường hô hấp khác đều giảm khi các biện pháp vệ sinh và giãn cách được thực hiện. Trong năm tới, chúng ta sẽ phải tập trung vào dịch bệnh COVID-19 và những biện pháp này có thể làm giảm đáng kể rất nhiều bệnh truyền nhiễm nếu chúng ta tiếp tục vệ sinh tay một cách nghiêm túc”, ông Collignon nói.
Hơn nữa, việc ngăn ngừa và kiểm soát lây nhiễm nên được coi là điều quan trọng khi thiết kế nhà vệ sinh, giống như việc đảm bảo an toàn chống cháy nổ. Chúng ta không thể thiết kế bất kỳ thứ gì mà không cần phòng chống cháy nổ.
Ông Ian Mackay, phó Giáo sư về virus học tại Đại học Queensland, cho rằng cửa ra vào nhà vệ sinh công cộng nên được thiết kế lại để giảm thiểu rủi ro tiếp xúc cho người sử dụng, đặc biệt là nếu người dùng trước đó không rửa tay đúng cách. Một lối ra không tiếp xúc cũng là một ý tưởng tuyệt vời để ngăn chặn virus lây lan.
Mackay cho biết cần phải kết hợp cả 2 yếu tố kiến trúc và đảm bảo sức khỏe khi thiết kế nhà vệ sinh công cộng. Có những loại virus khác được biết đến lây nhiễm qua hệ tiêu hóa cũng có thể bắt nguồn từ nhà vệ sinh công cộng.
Sarah Bookman, người nghiên các tác động chính trị và văn hóa của nhà vệ sinh công cộng trong luận án tại Đại học Auckland, tin rằng có những vấn đề thiết kế gắn liền với vệ sinh của các công trình công cộng này mà không thể bỏ qua. Cô cũng cho rằng nhà vệ sinh tự làm sạch hoàn toàn khi đóng cửa nên được thiết lập với số lượng lớn hơn.
“Đây là một ý tưởng làm sạch tuyệt vời. Tôi nghĩ đó sẽ là một tính năng thiết kế hữu ích trong tương lai. Việc dọn dẹp nhà vệ sinh hiện tại của chúng tôi là không bền vững. Tuy nhiên, có một giải pháp khác đó là sử dụng vòi và xả nước bằng cảm biến, điều này thực sự cần thiết sau đại dịch COVID-19”, cô nói.
Bookman, người đã làm việc tại công ty kiến trúc nổi tiếng New Zealand Studio Pacific, nói rằng việc đảm bảo an toàn trong nhà vệ sinh thậm chí có thể dẫn đến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn sau đại dịch. Khi các biện pháp hạn chế dần được dỡ bỏ, mọi người sẽ ngần ngại sử dụng các không gian công cộng như trước đây, đặc biệt là nhà vệ sinh công cộng.
“Nếu không thể sử dụng nhà vệ sinh công cộng, thời gian ở bên ngoài của bạn sẽ bị hạn chế. Để đưa mọi người trở lại cuộc sống công cộng, bạn phải đưa mọi người ra ngoài một lần nữa. Điều đó rất tốt cho việc phát triển kinh tế”, cô nói.
Bookman cho biết mọi người sẽ phụ thuộc vào nhà vệ sinh công cộng khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Phần lớn là những người có thu nhập thấp, những người lao động thiết yếu và nhưng người vô gia cư. Ở những thành phố có cơ sở nhà vệ sinh công cộng nghèo nàn, mọi người có xu hướng đến một nhà hàng, đặc biệt là ở các nước như Mỹ, để sử dụng nhà vệ sinh. Tuy nhiên, đó không phải là một lựa chọn khả thi, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19.
Biện pháp mới này được cho là sẽ tốn kém tuy nhiên, tuy nhiên nó được đánh giá là khá tiết kiệm trong dài hạn.
“Thông thường, bạn không thể trả tiền để đổi lấy sự an toàn. Nhưng hiện tại, khi virus SARS-CoV-2 bùng phát, có lẽ chúng ta nên làm điều đó, vì nếu bạn không giữ vệ sinh trong nhà vệ sinh công cộng và giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, bạn có thể bị nhiễm virus”, Bookman nói.