Người Hàn Quốc chuộng xu hướng "lặng lẽ bỏ việc"

Thay vì làm việc đến kiệt sức và cống hiến hết mình như trước đây, người Hàn Quốc bắt đầu lựa chọn chỉ làm việc vừa đủ, ưu tiên nhiều hơn cho cuộc sống riêng của bản thân.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: 123rf/Koreaherald

Theo một cuộc khảo sát của trang web tìm kiếm việc làm địa phương Incruit, hơn một nửa số người lao động ở Hàn Quốc hiện nay không thực sự nghỉ việc mà quyết định chỉ hoàn thành xong khối lượng công việc tối thiểu.

Có đến 51,7% trong số 1.097 nhân viên trên toàn quốc được khảo sát cho biết họ đã lặng lẽ bỏ việc. Điều này cho thấy xu hướng "lặng lẽ bỏ việc" trên toàn cầu đang ngày phát triển hơn trong giới công nhân viên chức ở đây.

Thuật ngữ "lặng lẽ bỏ việc" ra đời vào đầu những năm 2020, đề cập đến việc một nhân viên chỉ thực hiện các yêu cầu tối thiểu trong công việc của họ, từ chối việc làm thêm giờ hay cống hiến hết mình vì công việc, không đặt công việc làm trung tâm cuộc sống của họ.

Theo những người ủng hộ xu hướng này, "lặng lẽ bỏ việc" cũng chính là từ bỏ ý định thăng tiến và phát triển, từ bỏ cả trách nhiệm của một người trong công việc. Thay vào đó, họ dành phần lớn thời gian và nỗ lực của mình vào những việc khác quan trọng trong cuộc sống.

Cuộc khảo sát cho thấy 57,4% công nhân viên chức Hàn Quốc đã lặng lẽ bỏ việc bắt đầu từ năm thứ 8 đến năm thứ 10 đi làm, 56% những người đi làm từ năm thứ 5 đến năm thứ 7 cũng đã ngừng nỗ lực đi lên trong công việc. Khoảng 54,7% những người đã làm việc từ 17 đến 19 năm cũng âm thầm mang tư tưởng bỏ việc.

Nguyên nhân hàng đầu đằng sau việc lặng lẽ bỏ việc ở Hàn Quốc được 32,6% số người tham gia khảo sát bình chọn là do không hài lòng với mức lương và phúc lợi ở công ty hiện tại. Những lý do phổ biến tiếp theo là "Tôi không có hứng thú làm việc tại công ty" (29,8%) và "Tôi đang chuẩn bị thay đổi công việc (20,5%)".

Khoảng 65,8% số người được khảo sát thì coi việc đồng nghiệp của họ lặng lẽ nghỉ việc là một điều tích cực.

Những con số gần đây cho thấy, nhìn chung người lao động Hàn Quốc có mức độ hài lòng tương đối thấp đối với công việc và cuộc sống của họ, đó có thể là lý do tại sao rất nhiều người chỉ chọn làm khối lượng công việc tối thiểu, vừa đủ ở nơi làm việc.

Thống kê của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, tính đến năm 2022, mức độ hài lòng với cuộc sống của Hàn Quốc đứng thứ 35 trong số 38 quốc gia thành viên OECD.

Các cuộc khảo sát khác trong nước cũng chỉ ra rằng mức độ hài lòng với cuộc sống trung bình thấp như vậy có thể liên quan đến việc người Hàn Quốc cũng không mấy hài lòng với công việc của họ. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 1/2024, với 50.216 người tham gia trên ứng dụng Blind, những người được hỏi cho biết mức độ hài lòng trong công việc của họ chỉ ở mức trung bình là 41/100.

Với mức độ hài lòng với công việc thấp như trên, người lao động Hàn Quốc đang chú tâm hơn vào việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trước đây, một công việc lý tưởng thường được xác định bằng mức lương cao và vị thế xã hội. Nhưng ngày nay, ngày càng nhiều người chú trọng hơn đến việc liệu công việc có cho họ đủ thời gian để theo đuổi những gì họ thực sự muốn làm sau giờ làm việc hay không.

Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của trang web tìm kiếm việc làm Saramin,  71,8% trong số 1.828 người trưởng thành tham gia vào cuộc khảo sát thích một nơi làm việc ưu tiên sự "cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống", ngay cả khi mức lương của họ có thể thấp hơn.

Trần Trang/Báo Tin tức (Koreaherald)
Thanh niên Trung Quốc từ bỏ công việc truyền thống, lựa chọn sống cho chính mình
Thanh niên Trung Quốc từ bỏ công việc truyền thống, lựa chọn sống cho chính mình

Đối mặt với triển vọng việc làm ngày càng u ám khi nền kinh tế phục hồi chậm chạp, Chu Yi đang lựa chọn sống theo xu hướng “nằm bẹp”, rũ bỏ mọi áp lực để làm những gì mình thích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN