Nuôi chó, mèo đang trở thành xu hướng thịnh hành tại Trung Quốc. Ảnh: money.cnn.com
|
Trên trang Taobao.com, một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc của Tập đoàn Alibaba, 8,4 tỷ NDT đã được chi cho các giao dịch mua bán liên quan tới loài mèo trong năm 2017.
Khi tình yêu thú cưng của người Trung Quốc ngày một lớn, thì sự quan tâm của họ tới việc lo hậu sự cho "những người bạn thân thiết" cũng trở thành "mỏ vàng" đối với các doanh nghiệp. Chỉ riêng tại Trung Quốc, hiện có tới hơn 80 nhà tang lễ dành cho thú cưng, chủ yếu ở các thành phố lớn. Theo trào lưu, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn, đồ chơi, thuốc uống hay các thiết bị điện tử... phục vụ thú nuôi cũng nở rộ.
Báo Nikkei của Nhật Bản dự báo thị trường thực phẩm dành cho mèo tại Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2020 khi đạt tới 1,8 tỷ USD/năm. Theo một khảo sát năm 2017 của một hãng phân tích thị trường của Mỹ, thị trường thiết bị điện tử cho thú cưng (trong đó có vòng đeo cổ định vị GPS) tại Trung Quốc đã đạt mức 1 tỷ USD vào cuối năm 2016 và dự kiến sẽ chiếm 1/5 thị phần thế giới trong vòng 24 năm tới.
Tuy nhiên, bên cạnh trào lưu nuôi thú cưng đang nở rộ, tại Trung Quốc vẫn còn những vấn đề như ăn thịt, ngược đãi và bỏ rơi vật nuôi. Nhà chức trách Trung Quốc nói chung và thủ đô Bắc Kinh nói riêng đến nay vẫn chưa ban hành bất kỳ quy định nào nhằm bảo vệ các loài thú cưng. Trong thời gian qua, giới chức thành phố Bắc Kinh đã đề xuất ban hành quy định ngăn chặn hành vi ngược đãi động vật, trong đó có việc xử phạt chủ sở hữu vô trách nhiệm đối với vật nuôi. Hiện cũng chưa có luật nào ngăn cấm các hoạt động buôn bán có thể đe dọa tới sức khỏe vật nuôi.
Trước thực tế đó, các tổ chức bảo vệ vật nuôi đã kêu gọi cần nhanh chóng xác lập một khung pháp lý nhằm quy định hoạt động đối với ngành kinh doanh và sản xuất các sản phẩm dành cho vật nuôi và đặt ra quy chuẩn về đạo đức xã hội đối với việc chăm sóc động vật, từ đó xóa bỏ hành vi ngược đãi động vật.