Ngày 12/1, người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã bắt đầu huy động lực lượng ở thủ đô Bangkok nhằm chuẩn bị cho chiến dịch "phong tỏa" đã được lên kế hoạch từ trước. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lực lượng biểu tình đang tăng cường các nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và ngăn cản cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/2 tới.Người biểu tình chống chính phủ tại Bangkok ngày 9/1. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại khu vực tụ tập chính ở thủ đô Bangkok, người biểu tình bắt đầu đóng đồ và các vật dụng để đưa đến 7 địa điểm khác nhau trong ngày 13/1 nhằm làm tê liệt giao thông ở thủ đô. Những người biểu tình cho biết họ sẽ phong tỏa các tuyến đường chính, ngăn cản công chức đến trụ sở và cắt điện một số cơ quan quan trọng của nhà nước. Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ cũng tổ chức tuần hành nhưng tránh xa khu vực thủ đô.
Trả lời phỏng vấn tờ "Sunday Nation" xuất bản bằng tiếng Anh, thủ lĩnh người biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết có thể xem xét chấm dứt các hành động chống đối chính phủ nếu có nguy cơ bùng phát thành nội chiến. Tuy nhiên, ông bác bỏ mọi thỏa hiệp với chính phủ trước chiến dịch "phong tỏa" thủ đô Bangkok vào ngày 13/1.
Trong một diễn biến khác, truyền thông Thái Lan ngày 12/1 đưa tin đảng cầm quyền Pheu Thai (Vì nước Thái) cáo buộc Ủy ban bầu cử (EC) đã không làm tròn công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới và một số thành viên của ủy ban có "động cơ riêng" khi cố tình làm như vậy. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ Thái Lan, ông Surapong Tovichakchaikul, EC đã đề nghị chính phủ ban hành sắc lệnh lùi lịch bầu cử với lý do đang xảy ra khủng hoảng chính trị. Tuy nhiên, chính phủ sẽ không hoãn cuộc bầu cử này vì đây là hành động vi hiến. Ông Surapong cho rằng EC đã không làm hết phận sự để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra theo đúng kế hoạch, cũng như không nỗ lực giải quyết những vấn đề liên quan tới quy trình đăng ký ứng cử viên.
Người phát ngôn đảng Pheu Thai cầm quyền, ông Prompong Nopparit, cũng khẳng định đề xuất của EC là "bất hợp lý" và các ủy viên EC nên từ chức nếu không thể hoàn thành nhiệm vụ. Ông tuyên bố Pheu Thai sẽ kiện EC ra tòa vì tội sao nhãng nhiệm vụ nếu ủy ban này không có các hành động pháp lý đối với Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân về việc ngăn cản tiến trình đăng ký ứng cử viên tại một số tỉnh ở miền Nam Thái Lan.
Trước đó một ngày, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đề nghị quân đội làm trung gian đàm phán giữa chính phủ và những người biểu tình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Bà khẳng định sẽ tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền để xúc tiến cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2, mở đường cho công cuộc cải cách đất nước. Trong tình huống bất ổn dâng cao, chính quyền sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi đã quyết định huy động khoảng 20.000 cảnh sát và binh sĩ giữ gìn an ninh trật tự trong ngày "phong tỏa thủ đô" của lực lượng biểu tình.
Tính đến nay đã có 8 người thiệt mạng, trong đó có 1 cảnh sát, và hàng chục người bị thương kể từ khi các cuộc biểu tình leo thang tại Thái Lan kể từ cuối tháng 10/2013. Trong đợt "phong tỏa" Bangkok từ ngày 13/1, cảnh sát dự tính sẽ có khoảng 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trạm cứu hỏa bị ảnh hưởng. Vì lý do an toàn, nhiều trường học đã quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học.
TTXVN/Tin tức