Ngoại trưởng Mỹ bình luận về ý định mua Greenland của ông Trump

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định ý tưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc kiểm soát Greenland không phải là một kế hoạch khả thi và sẽ không bao giờ xảy ra.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu họp báo ngày 12/9/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Bình luận trên được đưa ra sau khi ông Trump tuyên bố việc Mỹ kiểm soát hòn đảo Bắc Cực Greenland là vấn đề an ninh quốc gia. Ông Trump thậm chí không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo tự trị của Đan Mạch nếu cần thiết.

“Rõ ràng là ý tưởng về Greenland không phải là một ý tưởng hay”, ông Blinken phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tại Paris hôm 8/1. “Nhưng điều đó sẽ không xảy ra, vì vậy chúng ta không nên lãng phí thời gian vào việc này”, ông nhấn mạnh.

Chuyến thăm của ông Blinken đến Pháp, Hàn Quốc, và Nhật Bản là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông trước khi Tổng thống Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ và ông Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1. Ông Blinken, cố vấn lâu năm của ông Biden về chính sách đối ngoại, đã lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ trong suốt bốn năm qua và đã phản đối nhiều chính sách mà ông Trump ban hành từ nhiệm kỳ đầu (từ năm 2017 đến năm 2021)

Trong cuộc bầu cử tháng 11/2024, ông Trump đã giành chiến thắng về cả số phiếu đại cử tri đoàn và phiếu phổ thông, đánh bại bà Kamala Harris, người đã được chọn làm ứng viên thay thế ông Biden.

Trong những tuần gần đây, Tổng thống đắc cử Trump đã tái khơi dậy mối quan tâm đến Greenland, nơi mà trước đó ông từng đề nghị mua lại từ Đan Mạch. Ông Trump khẳng định việc kiểm soát hòn đảo Bắc Cực này là “tuyệt đối cần thiết” đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Tại cuộc họp báo ở Mar-a-Lago hôm 7/1, khi được hỏi liệu ông có thể đảm bảo sẽ không sử dụng biện pháp quân sự hoặc kinh tế trong nỗ lực giành Greenland hoặc kênh đào Panama, ông Trump đáp: “Không, tôi không thể đảm bảo điều đó. Nhưng tôi có thể nói rằng chúng ta cần Greenland vì an ninh kinh tế của đất nước”.

Con trai của ông Trump, Donald Trump Jr, cũng đã bay đến hòn đảo Greenland hôm 7/1 và dành nhiều giờ ở thủ phủ Nuuk cùng với một số trợ lý và một đoàn làm phim tài liệu.

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước những bình luận của Tổng thống đắc cử Trump liên quan đến Greenland và Canada. Ông khẳng định các đối tác châu Âu cùng nhất trí rằng “quyền bất khả xâm phạm về biên giới là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

“Nguyên tắc này được áp dụng và là nền tảng cho trật tự hòa bình của chúng ta... Nguyên tắc bất khả xâm phạm về biên giới áp dụng cho mọi quốc gia, bất kể đó là phía Đông hay phía Tây của chúng ta”, ông nói.

Ông Scholz cũng tuyên bố các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tăng cường khả năng phòng thủ phối hợp với nhau và nhấn mạnh: “Điều quan trọng là chúng ta phải sát cánh cùng nhau trong những vấn đề này và hành động đoàn kết”.

Cùng ngày, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Chính phủ Đức cũng khẳng định theo thông lệ, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và Hiệp định Helsinki được áp dụng, biên giới không được dịch chuyển bằng vũ lực.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Châu Âu bày tỏ lập trường cứng rắn về vấn đề Greenland
Châu Âu bày tỏ lập trường cứng rắn về vấn đề Greenland

Ngay sau những phát biểu gây sốc của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc mua lại vùng lãnh thổ Greenland của Đan Mạch, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu ngày 8/1 đã đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề này, trong đó đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của chủ quyền đối với các quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN