Tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Randy Forbes thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, cho rằng hành động này là cần
thiết do những bất ổn tại khu vực này. Ông nhấn mạnh theo luật pháp quốc
tế, rõ ràng Trung Quốc không có tuyên bố hợp pháp nào đối với chủ quyền
tại các vùng biển trên và hiện là thời điểm để chính quyền Obama tái
khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với tự do hàng hải và đảm bảo hòa
bình, ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trước đó cùng ngày, điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng
viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã đề nghị
có thêm hoạt động tại khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do
Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Liên quan đến việc Mỹ đưa tàu khu trục USS Lassen
vào Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino
ngày 27/10 cho rằng đây là việc làm quan trọng nhằm duy trì "cán cân
quyền lực" tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Australia cũng hoan nghênh động thái trên của hải quân Mỹ. Bộ
trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nêu rõ tất cả
các nước đều có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, trong đó có
vùng Biển Đông, theo đúng luật pháp quốc tế. Ông cho biết gần 60% lượng
hàng xuất khẩu của Australia được vận chuyển qua Biển Đông và nước này
có các lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại
vùng biển quan trọng này.
Cùng ngày, Chánh Văn
phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Mỹ
và Nhật Bản đã trao đổi thông tin về việc tàu khu trục USS Lassen đi vào
Biển Đông. Theo ông, những dự án tôn tạo lớn và xây dựng của Trung Quốc
tại khu vực quần đảo Trường Sa cũng như các hành động đơn phương làm
gia tăng căng thẳng và thay đổi hiện trạng tại Biển Đông là mối quan
ngại chung của cộng đồng quốc tế.
Đài Phát
thanh Quốc tế Hàn Quốc (KBS) sáng 28/10 dẫn lời một quan chức giấu tên
của Phủ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định lập trường của Seoul cần giải
quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình theo luật pháp
quốc tế. Quan chức trên nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tận dụng các diễn đàn quốc
tế để kêu gọi các bên liên quan không tiến hành thêm bất kỳ hành động
nào gây phương hại đến môi trường an ninh và hòa bình ở khu vực Biển
Đông. Quan chức trên cho biết Biển Đông là khu vực rộng lớn có vai trò
quan trọng, là con đường thông thương trên biển quyết định tới 90% lượng
nhiên liệu nhập khẩu và 30% lượng hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc.
Ngày 27/10, hãng AFP (Pháp) dẫn lời một quan chức
quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS
Lassen của Hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý (22 km) xung quanh
các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa
của Việt Nam. Đây được xem là động thái cụ thể đầu tiên trong kế hoạch
của Mỹ triển khai đều đặn các hoạt động tuần tra ở Biển Đông. Quan chức
trên khẳng định: "Chúng tôi đang tiến hành các hoạt động thông thường
trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các lực lượng Mỹ hoạt
động tại châu Á - Thái Bình Dương dựa trên cơ sở thường nhật, kể cả ở
Biển Đông". Quan chức này cũng lưu ý rằng hoạt động như vậy "không liên
quan tới vấn đề chủ quyền đối với những hòn đảo đó".
Theo Reuters, tàu USS Lassen sẽ tiến gần các đảo Xu-bi (Subi) và Vành
Khăn thuộc quần đảo Trường Sa và khả năng sẽ được các máy bay do thám
P-8A và P-3, vốn thường xuyên tiến hành hoạt động trong khu vực, hộ
tống. Các chuyến tuần tra tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong những tuần
tới.
Xu-bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường
Sa nằm trong số 7 bãi đá của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ phi pháp.
Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử về chủ quyền đối
với Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có Xubi và Vành Khăn.
Trước việc báo chí Mỹ thông tin về việc Washington đưa tàu
chiến vào vùng biển 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây dựng trái
phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 15/10/2015, người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ: "Các quốc gia trong và ngoài khu
vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình,
ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không của khu
vực này. Những đóng góp đó phải dựa trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật
pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm
1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhằm
tiến tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)".