Ngành bán lẻ Anh lao đao

Ngành công nghiệp bán lẻ ở Anh đang trải qua một giai đoạn khó khăn hơn bao giờ hết khi điều tra cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay có khoảng 4.000 cửa hàng bán lẻ buộc phải đóng cửa, tức mỗi ngày có tới 22 cửa hiệu dẹp tiệm do kinh doanh ế ẩm.

"Bán vét, thanh lý"

Đúng vào thời kỳ cao điểm bán hàng mùa hè, nhưng không khó để du khách dạo chơi trên các con phố lớn ở Luân Đôn có thể nhìn thấy một cửa hàng treo biển “bán vét, thanh lý cửa hàng”. Góp mặt trong làn sóng này là chuỗi cửa hàng TJ Hughes với 57 cửa hiệu nằm rải rác ở nhiều nơi ở “xứ sở sương mù”, kinh doanh đủ mọi thứ từ quần áo tới đồ điện tử. Kể từ cuối tháng trước, trang web của công ty này treo biển thông báo đang làm các thủ tục cần thiết để tìm đối tác mua lại một phần hoặc toàn bộ công ty, do không thể gánh nổi thua lỗ triền miên. Trong thời gian này TJ Hughes sẽ được đặt dưới sự giám sát tài chính của một công ty độc lập nhằm đảm bảo quyền lợi ở mức cao nhất cho các chủ nợ và khách hàng đã mua sản phẩm của TJ Hughes.
 

Hàng loạt cửa hàng quảng cáo giảm giá tới 70%.

Công ty dịch vụ tài chính Ernst & Young phụ trách thủ tục cho TJ Hughes cho biết, có hơn 30 doanh nghiệp đang thăm dò mua lại công ty này. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán nhiều khả năng chuỗi cửa hàng bán lẻ có truyền thống ngót 100 năm tuổi sẽ buộc phải phá sản và các cửa hàng sẽ phải đóng cửa. Như vậy, trong trường hợp xấu nhất hơn 4.000 nhân viên đang làm việc cho TJ Hughes sẽ thất nghiệp.

Cùng tham gia “đội quân thất trận” còn có nhiều tên tuổi lớn khác trong làng bán lẻ ở Anh, như chuỗi cửa hàng bán lẻ kẹo và sôcôla Thorntons với 120 cửa hàng có nguy cơ dẹp tiệm; nhà cung cấp thảm trải sàn bán lẻ lớn nhất nước Anh Carpetright với kế hoạch đóng cửa 75 cửa hàng; thương hiệu thời trang nữ Jane Norman rất được chị em ưa thích cũng thông báo có 33 cửa hàng sẽ bị thanh lý; công ty sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ điện tử Comet đang nghiên cứu bán lại thương hiệu này sau khi thông báo lỗ 8,9 triệu bảng. Ngoài ra còn phải kể đến nhiều thương hiệu khác đang khốn đốn như các cửa hàng thời trang Habitat và All Saints, đồ gia dụng Focus DIY, đồ bếp và vệ sinh Homeform, nhà kinh doanh rượu vang Oddbins, cửa hàng bán đồ thể thao JJB Sports, băng đĩa nhạc HMV, nhà kinh doanh đồ trẻ em Mothercare...

Khi người tiêu dùng căn cơ

Nguyên nhân lớn nhất đẩy các cửa hàng bán lẻ ở Anh tới chỗ nguy khốn chính là người tiêu dùng. Tình hình kinh tế bấp bênh và lạm phát gia tăng khiến họ không thể chi tiêu hào phóng cho các nhu cầu cá nhân như trước. Thống kê chính thức mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, trong ba tháng đầu năm 2011 tỷ lệ tiền tiết kiệm – tức phần thu nhập hàng tháng còn lại sau khi phải trả các khoản thường xuyên như điện, gas, nước... - của các hộ gia đình đã giảm từ 5,1% tổng thu nhập xuống còn 4,6% trong quý I/2011. Vấn đề là, mặc dù người tiêu dùng phải chi tiêu nhiều hơn cho cuộc sống thường nhật, nhưng lượng hàng hóa và dịch vụ họ nhận được lại bị giảm 0,6% - mức giảm lớn nhất kể từ đầu năm 2009 khi cuộc suy thoái kinh tế đi vào cao trào.

Maureen Hinton, chuyên gia phân tích thị trường bán lẻ của công ty Verdict Research, cho rằng tình hình hiện nay khó khăn không kém so với thời kỳ sau khi tập đoàn bán lẻ khổng lồ Woolworths sụp đổ. Cung hiện đã vượt quá cầu và các nhà bán lẻ không đủ tiềm lực có nguy cơ sập tiệm nếu không đa dạng hóa kinh doanh.

Thống kê mới đây của tập đoàn kiểm toán PricewaterhouseCoopers cho biết, có 375 nhà bán lẻ ở Anh phá sản trong quý II/2011, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 4.000 cửa hàng đã phải dỡ biển trong 5 tháng đầu năm nay, trong đó nhiều nhất là cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép và nữ trang. Một cuộc điều tra khác do hãng tư vấn Deloitte thực hiện cho biết, trong quý II/2011 số công ty bán lẻ bị đặt dưới sự giám sát tài chính do nguy cơ phá sản đã tăng 8% so với năm ngoái. Lee Manning, phụ trách mảng tái cơ cấu doanh nghiệp của Deloitte nói: “Ngành bán lẻ đang trải qua một giai đoạn thay đổi rõ rệt với nhiều công ty oằn lưng dưới sức ép lòng tin tiêu dùng giảm sút và kinh tế trì trệ”.

Thông báo chính thức của ONS ngày 26/7 cho biết, GDP của nước này trong quý II/2011 chỉ tăng 0,2%, trong đó các lĩnh vực dịch vụ và xây dựng đều tăng 0,5%, nhưng lĩnh vực sản xuất lại giảm tới 1,4%. Chuyên gia Manning dự đoán, tình hình trong những tháng cuối năm sẽ còn tiếp tục khó khăn, do lạm phát cao, thất nghiệp gia tăng và thu nhập khả dụng của các hộ gia đình giảm sút.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN