Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nền công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc sau hai ngày làm việc tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, với Tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề khu vực và thế giới. Ngoài những nội dung quan trọng như vấn đề nợ công của Hy Lạp, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giải quyết các điểm nóng an ninh trên thế giới, cuộc khủng hoảng quan hệ Nga – phương Tây đã trở thành chủ đề nổi bật được các nước G7 đưa ra thảo luận trên bàn nghị sự năm nay trong bối cảnh đây là hội nghị thứ hai liên tiếp không có phái đoàn Nga tham gia.
Gia tăng trừng phạtTrong bản Tuyên bố chung dài 23 trang, các nhà lãnh đạo thuộc nhóm G7 đã nhấn mạnh quyết tâm hợp tác chặt chẽ trên cơ sở những giá trị và nguyên tắc chung nhằm giải quyết các thách thức về chính trị và kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong lúc khối này kêu gọi tinh thần đoàn kết giải quyết các vấn đề chung, thì các tuyên bố đưa ra tại hội nghị lại có nguy cơ đẩy mối quan hệ vốn đã không "xuôi chèo mát mái" giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi khi các nước cảnh báo sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào Moskva nếu cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục leo thang.
Lãnh đạo các nước thành viên nhóm G7 trong một phiên họp ngày 8/6. Ảnh: Xinhua-TTXVN |
Đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết duy trì các biện pháp trừng phạt Moskva chừng nào Tổng thống Nga Vladimir Putin và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn ký tại thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng Hai vừa qua. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định “sẵn sàng đưa ra các biện pháp nặng hơn để trừng phạt Nga nếu cần thiết”, và rằng việc các lệnh trừng phạt có được giảm nhẹ hay không phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của Nga ở Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng kêu gọi lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thống nhất duy trì trừng phạt Nga bất chấp điều này có thể gây phương hại cho nền kinh tế toàn khối.
Có thể nói, sau hơn một năm, “cuộc chiến tranh Lạnh của thế kỷ XXI” vẫn chưa tìm thấy lối thoát khi các bên tiếp tục lần lượt tung ra các lệnh trừng phạt để đáp trả lẫn nhau. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định chính sách cứng rắn của phương Tây là "con dao hai lưỡi", bởi mặc dù các biện pháp trừng phạt có thể gây tổn thương phần nào cho nền kinh tế của “xứ sở Bạch Dương”, song lại có nguy cơ phản tác dụng khi ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế của EU cũng như kích động tâm lý chống EU và Mỹ trong suy nghĩ của người dân Nga. Sau một năm đoạn tuyệt kinh tế với Nga, nhiều nước EU đã thấm "đòn đau" khi mất đi quyền lợi của chính mình vì chính sách trừng phạt nhằm vào Nga mà liên minh này buộc phải áp dụng dưới sức ép từ Washington. Nga vốn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu, do đó, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả tương tự như các công ty của Nga.
Trước thực tế trên, nội bộ phương Tây cũng đã xuất hiện những ý kiến trái chiều trong chính sách đối với Nga khi một số quan chức châu Âu cũng đã có quan điểm tìm kiếm đối thoại với Moskva thay vì đối đầu. Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế miền Đông của Cộng hòa Liên bang Đức Eckhard Cordes cho rằng việc không mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 là một sai lầm, cho rằng các nước đã bỏ lỡ cơ hội đối thoại và cải thiện mối quan hệ với Moskva cũng như thúc đẩy sự điều chỉnh mang tính xây dựng hơn trong chính sách của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Một số quan chức khác cũng cho rằng nên mời ông Putin tham gia hội nghị bởi ngoài vấn đề Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố và các điểm nóng an ninh khác trên thế giới như Trung Đông, Iran hay Syria cũng chỉ có thể được giải quyết với tầm ảnh hưởng lớn của Nga.
Nga hờ hững Nga đã có phản ứng khá bình thản trước những động thái mới nhất của G7. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng những tuyên bố mới liên quan đến lệnh trừng phạt của G7 không có điểm gì mới mẻ, đồng thời cảnh báo khối này cần nhận ra phe nào đang chủ động phá vỡ thỏa thuận Minsk. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với báo chí Italy trước thềm chuyến thăm đến quốc gia châu Âu này, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga không phải là mối đe dọa với phương Tây, đồng thời khẳng định Nga không khởi xướng các biện pháp trừng phạt về kinh tế mà Moskva chính là mục tiêu của lệnh trừng phạt và buộc phải đáp trả bằng các biện pháp tự vệ.
Theo giới phân tích, việc Tổng thống Putin vắng mặt tại hội nghị lần này không có nghĩa Nga bị cô lập về mặt chính trị trên thế giới, mà còn giúp Điện Kremlin theo đuổi một chính sách độc lập. Trong một năm bị G7 tẩy chay, Nga cũng tỏ ra khá hờ hững với việc quay trở lại định dạng G8, bất chấp các nguyên thủ quốc gia G7 đã nhiều lần ra điều kiện cho Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine để quay trở lại khối. Nhà báo Ekaterina Zabrovskaya đến từ báo Russia Direct chuyên phân tích các chính sách của Nga nhận định, đối với Moskva, G8 chỉ đơn giản là một câu lạc bộ, nơi tập hợp lãnh đạo các nước lớn để thảo luận những vấn đề cùng quan tâm, thay vì một cấu trúc chính thức. Do đó, sự gần gũi đối với thế giới phương Tây không còn là một giá trị tuyệt đối đối với nước Nga hiện đại, và Moskva vẫn đang theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập, không phụ thuộc vào những ràng buộc hay quan điểm của các nước khác.
Chính sách trừng phạt nghiêm khắc của EU và Mỹ cũng đang khiến Nga tích cực tìm kiếm đồng minh cho mình thông qua việc tham gia các khối liên kết khác trên thế giới. Hiện Nga đang tích cực tham gia các liên kết mới nổi và đang chứng minh với G7 rằng có nhiều sân chơi sẵn sàng tiếp đón Nga cũng như Moskva có thể lãnh đạo nhiều khối đồng minh để làm đối trọng với G7. Nga đang lãnh đạo khối các nước đang phát triển BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và tham gia vào định chế tài chính mới là Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Moskva cũng đang mở rộng các mối liên hệ trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và duy trì mối quan hệ hợp tác vững chắc với các nước châu Á.
Sự quyết tâm của các nước trong việc duy trì các biện pháp trừng phạt Nga tại hội nghị G7 vừa qua được xem là hành động "đổ thêm dầu vào lửa", khiến mối quan hệ vốn đã "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa Nga và phương Tây ngày càng xuống cấp. Thực tế cho thấy sự đóng băng trong quan hệ song phương ở hầu hết các lĩnh vực đều có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế của hai bên cũng như gây cản trở cho việc giải quyết các điểm nóng an ninh quốc tế. Đã đến lúc hai bên cần có điều chỉnh trong chiến lược quan hệ cũng như nỗ lực thu hẹp khoảng cách khác biệt thay vì đối đầu để có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm tạo cơ hội cho việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng trên thế giới.