Nga tuyên bố Iran có quyền phát triển chương trình hạt nhân vì hòa bình

Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) ngày 22/5 tuyên bố Iran có quyền phát triển chương trình hạt nhân vì hòa bình và điều này là không thể bị bác bỏ.

Nhà máy hạt nhân Bushehr nằm cách thủ đô Tehran 1.200 km. Ảnh: Reuters

Hãng tin Sputnik (Nga) cho rằng phát biểu trên được coi là lời đáp trả đối với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ngoại trưởng Pompeo vào ngày 21/5 đã trình bày cách tiếp cận mới của Mỹ đối với vấn đề hạt nhân Iran, trong đó dọa áp đặt “lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử” đối với Tehran nếu lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo này không thay đổi chính sách.

Đài BBC (Anh) cho biết Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo rằng Iran có thể “phải chiến đấu để bảo vệ nền kinh tế” một khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực.

Ông Pompeo đã tiết lộ về “kế hoạch B” đối với Iran, theo đó nêu 12 điều kiện Washington cần để có thể bắt đầu “thỏa thuận mới” với Tehran. Ngoại trưởng Mỹ còn nêu rõ các lệnh trừng phạt sẽ được nới lỏng khi Washington thật sự nhận thấy có thay đổi trong chính sách của Iran.

Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết kế hoạch này là để tập hợp một liên minh toàn cầu nhằm gây áp lực với Iran trong các cuộc đàm phán về “một cấu trúc an ninh mới”, chứ không chỉ về chương trình hạt nhân của Tehran. Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Pompeo nói rõ 12 yêu cầu đối với Iran có việc dừng hoạt động làm giàu urani, cam kết không tái chế plutoni, đóng cửa các lò phản ứng nước nặng, đồng thời công khai toàn bộ khía cạnh quân sự trong chương trình hạt nhân, vĩnh viễn từ bỏ các hoạt động này dưới sự kiểm chứng của bên ngoài.

Trong số các yêu cầu còn có nội dung liên quan đến việc cho phép các thanh sát viên tiếp cận không hạn chế các cơ sở hạt nhân, ngừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, chấm dứt chính sách bành trướng ở Trung Đông thông qua việc hậu thuẫn các nhóm vũ trang tại Syria, Liban và Yemen, trả tự do cho các công dân Mỹ đang bị Iran giam giữ và dừng các đe dọa hủy diệt Nhà nước Do Thái Israel.

Iran nhanh chóng chỉ trích “tối hậu thư” này của Mỹ, điều mà Washington yêu cầu Iran phải tuân thủ nếu không sẽ phải gánh chịu thêm các đòn trừng phạt kinh tế nghiêm trọng. Một quan chức cấp cao của Iran cho rằng điều này cho thấy Mỹ đang tìm cách “thay đổi chế độ” tại Iran, cáo buộc từng gắn liền với cuộc xâm lược mà Mỹ tiến hành tại Iraq năm 2003 để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein.

Liên minh châu Âu (EU) cũng phản đối bài phát biểu của tân Ngoại trưởng Mỹ và tuyên bố vẫn tôn trọng hoàn toàn việc triển khai thỏa thuận hạt nhân 2015. Theo nhận định của hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Pompeo sẽ đối mặt với nhiều thách thức nếu muốn thuyết phục các đồng minh châu Âu chấp thuận “kế hoạch B” về Iran sau khi Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JPCOA).

Tuyên bố của EU có đoạn: “Bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo không thể hiện rằng việc rời khỏi JCPOA đã hay sẽ giúp khu vực an toàn hơn trước nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, hay có thể giúp chúng ta có vị thế tốt hơn để gây áp lực đối với những gì Iran làm trong khu vực, bên ngoài phạm vi JPCOA. Không có bất kỳ sự thay thế nào cho JPCOA”.

Trong khi đó các đồng minh khu vực của Mỹ như các nước Arập vùng Vịnh và Israel, những nước chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân, đã hoan nghênh lập trường của Chính quyền Tổng thống Donald Trump thể hiện trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo.

Nhiều nhà phân tích cho rằng “kế hoạch B” mà Ngoại trưởng Pompeo đề cập tới và được chính quyền Mỹ cùng các đồng minh khu vực hoan nghênh thực chất là một “giấc mơ viển vông”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Đuma Quốc gia Nga thông qua đạo luật đáp trả Mỹ và đồng minh
Đuma Quốc gia Nga thông qua đạo luật đáp trả Mỹ và đồng minh

Sau nhiều lần nhượng bộ, Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga vào ngày 22/5 đã thông qua một đạo luật nhằm đáp trả những lệnh trừng phạt do Mỹ và “các quốc gia không thân thiện” áp đặt đối với Moskva.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN