Kênh CNN (Mỹ) và đài Sputnik (Nga) đưa tin Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn nghị quyết do Mỹ đề xuất nói trên tại cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ về Triều Tiên.
Hãng tin Yonhap cho biết 13 thành viên còn lại của HĐBA ủng hộ nghị quyết. Một nghị quyết trừng phạt Triều Tiên tại HĐBA LHQ cần nhận được 9 phiếu đồng ý và không có một phiếu phủ quyết nào từ phía 5 nước ủy viên thường trực gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ.
Nghị quyết được Mỹ trình lên HĐBA sau khi Triều Tiên ngày 24/5 tiến hành phóng ba quả tên lửa, trong đó có một quả được cho là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hiện đại nhất của Bình Nhưỡng.
Theo biên bản dự thảo nghị quyết mà Sputnik có được, nghị quyết do Mỹ đề xuất siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với các con tàu có liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ngoài ra, nghị quyết cũng sẽ tìm cách ngăn chặn Triều Tiên xuất khẩu nhiên liệu khoáng sản, dầu khoáng, các chất bitum, sáp khoáng...
Nghị quyết đề xuất điều chỉnh khoản 4 của Nghị quyết 2397 (năm 2017) để siết chặt khối lượng dầu thô nhập khẩu của Triều Tiên. Bên cạnh đó, nghị quyết sẽ cấm tất cả các quốc gia thành viên HĐBA cung cấp cho Triều Tiên, trực tiếp hoặc gián tiếp, bất kỳ loại thuốc lá thành phẩm hoặc nhiên liệu thuốc lá nào. Công dân của các nước ủy viên HĐBA bị cấm sử dụng các dịch vụ liên quan đến công nghệ từ Triều Tiên.
Phát biểu trước khi diễn ra cuộc họp của HĐBA, người phát ngôn của phái bộ Trung Quốc tại LHQ cho hay nghị quyết do Mỹ thúc đẩy nhằm tăng cường lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên sẽ không giúp giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.
Người phát ngôn này nêu rõ: "Chúng tôi nghĩ rằng giải pháp do Mỹ đề xuất không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào. Trung Quốc đề nghị việc xem xét một PRST (Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA) trong những tuần trước. Đề xuất của chúng tôi được nhiều phái đoàn ủng hộ nhưng đã bị phía Mỹ phớt lờ. Họ biết rõ cách thức tốt nhất để giảm leo thang căng thẳng, song lại hoàn toàn chối bỏ nó".
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ đã phớt lờ lời kêu gọi của Triều Tiên chấm dứt “hành động thù địch” và tham gia đối thoại.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Triều Tiên ngày 24/5 đã phóng 3 tên lửa này từ khu vực Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng vào khoảng 6h00 (giờ địa phương). Tên lửa đầu tiên nhiều khả năng là một ICBM. Tên lửa này đã bay khoảng 360km, ở độ cao tối đa 540km. Theo JCS, đây có thể là tên lửa ICBM Hwasong-17 mới nhất của Triều Tiên.
Tên lửa thứ 2, được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM), có độ cao khoảng 20 km và "đã biến mất" - một dấu hiệu cho thấy vụ phóng thất bại. Tên lửa thứ 3, cũng được cho là SRBM, đã bay được quãng đường 760 km ở độ cao 60 km.
Ngoại trưởng và quan chức cấp cao các nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 25/5 đã có các cuộc trao đổi trong đó bày tỏ quan ngại về vụ phóng thử các tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên mới thực hiện.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng nước này Park Jin và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mới với Triều Tiên. Hai bên đánh giá động thái mới của Bình Nhưỡng là hành động làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.