Theo phóng viên TTXVN tại Nga, Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg lần thứ 25 bắt đầu phiên làm việc chính thức đầu tiên bằng cuộc thảo luận chuyên sâu về giải pháp cho nền kinh tế Nga vượt qua giai đoạn khó khăn do các lệnh trừng phạt từ phương Tây - vấn đề mang tính thời sự cấp bách đối với nước Nga.
Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra các tuyên bố chính sách, các luận điểm gợi mở khái niệm phát triển nền kinh tế đất nước trong thời kỳ mới.
Chủ nhiệm Ủy ban về Ngân sách và Thuế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Andrey Makarov cho rằng mặc dù đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, nước Nga đã vượt qua thành công giai đoạn khó khăn cấp tính đầu tiên của quá trình này, tránh được một kịch bản tiêu cực, mang lại sự ổn định tài chính và giá cả tiêu dùng, giúp duy trì việc làm và hỗ trợ các nhóm công dân dễ bị tổn thương.
Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế thích ứng với điều kiện mới nhanh chóng như thế nào? Việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế này sẽ đòi hỏi những gì? Những động lực tăng trưởng nào sẽ đóng góp vào điều này? Liệu Nga có những "chỗ đứng" riêng cho sự phát triển trong tương lai? Những vấn đề hóc búa này lần lượt được “đội ngũ chuyên gia kinh tế” - những nhà quản lý hàng đầu của nền kinh tế Nga giải đáp.
Các đại biểu đều có chung đánh giá rằng tình hình nền kinh tế Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các chỉ số dự báo nền kinh tế đang được cải thiện, mà theo đó Bộ Phát triển Kinh tế Nga có thể sẽ điều chỉnh tầm nhìn để phát triển nền kinh tế theo hướng tích cực hơn. Trợ lý Tổng thống Liên bang Nga về lĩnh vực kinh tế Maxim Oreshkin nhìn nhận thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 là “một thao trường luyện tập” đối với nền kinh tế Nga. Trong thời kỳ này, các nhà quản lý tích cực sử dụng các kỹ năng để ra quyết định nhanh chóng trong một tình huống bất thường chưa từng đối mặt. Tuy nhiên, theo ông, bối cảnh hiện nay lại đặt ra một thực tế mới đối với nền kinh tế và quy mô của các quyết định cũng sẽ khác trước. Ông cho rằng sẽ có một mô hình mới ở nước Nga mới.
Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cũng cho rằng Nga cần có chính sách kinh tế và công nghiệp mới của riêng mình dựa trên những công nghệ quan trọng. Ông nói: “Chúng ta cần phát triển một học thuyết an ninh công nghiệp. Về vấn đề này, chúng ta cần nhiều tự do hơn cho các doanh nhân, bớt ảnh hưởng về mặt hành chính”. Theo quan điểm của người đứng đầu ngành Tài chính, trong tình hình mới nhà nước phải tạo mọi điều kiện phù hợp, còn đội ngũ doanh nghiệp và tư nhân khi đó sẽ tự làm mọi việc.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina tin rằng hệ thống tài chính đã thích nghi với tác động của các lệnh trừng phạt. Nhiệm vụ trước mắt của các ngân hàng là tài trợ cho các dự án chuyển đổi sản xuất. Theo bà, tình hình đang thay đổi nhanh chóng và đòi hỏi sự thích ứng nhanh, cần phải xây dựng lại hệ thống và ưu tiên phát triển sản xuất trong nước.
Các nhà quan sát cho rằng nền kinh tế Nga có nhiều tồn tại kinh niên khó giải quyết ngay cả trước khi các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây đưa ra chống lại Moskva trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine. Một số nhà quan sát độc lập từng cho rằng, vấn đề tồn tại của nền kinh tế Nga chính là hệ quả của việc đánh giá thấp vai trò của tiêu dùng nội địa, không chú trọng đúng mức trong chiến lược thay thế nhập khẩu và đầu tư quá ít vào tài sản cố định. Những phát biểu mang tính gợi mở của các quan chức Nga tại phiên thảo luận của Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg cho phép công chúng hình dung về một sự chuyển đổi sắp diễn ra. Hay nói cách khác là một sự định hướng lại nền kinh tế mà theo đó nước Nga sẽ đầu tư vào sản xuất và tiêu dùng trong nước, thay vì chú trọng vào xuất khẩu như hiện nay.
Tuy nhiên, đây là vấn đề dài hạn và cũng có không ít thách thức cần vượt qua. Đặc biệt, trong tình cảnh phức tạp hiện nay rõ ràng thách thức nhiều hơn so với cơ hội mà nước Nga đang có, đặc biệt là thách thức về công nghệ.
Về vấn đề này, ý kiến của Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec Sergey Chemezov thừa nhận rằng việc mất quyền tiếp cận các hàng hóa, công nghệ, linh kiện hiện đại của thế giới là một khó khăn, và việc thay thế nhập khẩu hoàn toàn là vô nghĩa, không thực tế về mặt kinh tế và đơn giản là không thể. Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, thì nhu cầu về chủ quyền công nghệ là rõ ràng. Nga bắt buộc phải làm chủ công nghệ trong các lĩnh vực thiết yếu, trước hết là kỹ thuật máy bay dân dụng, kỹ thuật điện và năng lượng, thiết bị dầu khí và chế tạo dụng cụ. Do đó, lãnh đạo tập đoàn công nghệ Nga đề xuất một chính sách linh hoạt về thay thế hàng nhập khẩu và nhấn mạnh nhà nước cần phải ưu tiên rõ ràng và hiểu rõ những gì cần thiết phải làm ngay và những gì có thể chờ đợi.
Một bộ phận trong cộng đồng chuyên gia ở Nga cũng có quan điểm tương tự khi nhấn mạnh về tính hợp lý của việc định hướng lại nền kinh tế. Nga có thế mạnh trong các ngành công nghiệp nhiên liệu, luyện kim màu, sản xuất vũ khí, ngũ cốc và nông sản. Đây là những lĩnh vực có năng suất cao và việc tập trung ưu tiên vào lĩnh vực này là cần thiết để gia tăng giá trị xuất khẩu, nhưng chỉ trong điều kiện không bị các chế tài và không bị loại khỏi các ngành trọng yếu về công nghệ. Do đó, sự định hướng lại một cách cân bằng là cần thiết để toàn bộ nền kinh tế thích nghi với điều kiện mới. Vấn đề mấu chốt hiện nay là xác định chính xác danh sách các lĩnh vực ưu tiên phát triển sản xuất, đầu tư và kích thích tiêu dùng trong nước.