Ngày 7/10, các tàu chiến Nga tại biển Caspi đã phóng 26 tên lửa hành trình công nghệ cao, tiêu diệt 11 mục tiêu của quân khủng bố ở Syria với quãng đường bay hơn 1.500km. Đó là tên lửa Kalibr-KN phóng hạm (phiên bản xuất khẩu của Kalibr có tên Klub, với nhiều biến thể khác nhau), còn được Mỹ, NATO định danh là dòng SS-N-30. Trước ngày 7/10, cả thế giới hầu như “mù thông tin” về loại vũ khí hiện đại này. Đòn đánh mới của Nga cũng mang ý nghĩa chiến lược: Moskva muốn thông báo với thế giới, đặc biệt là Mỹ rằng, hải quân Nga một thời bị phương Tây xem thường đã trở lại mạnh mẽ và những tên lửa của Nga là loại vũ khí hiện đại nhất thế giới.
Tên lửa hành trình được phóng đi từ tàu chiến ở biển Caspi. Ảnh: Sputinki |
Kế hoạch phóng Kalibr-NK được Nga lên kế hoạch từ trước đó hai ngày. “Máy bay do thám của Nga đã phát hiện một số mục tiêu quan trọng của quân khủng bố và cần phải tiêu diệt tức thì. 26 tên lửa hạ gục 11 mục tiêu, làm nổ tung các kho đạn, trại huấn luyện, trung tâm điều hành… của quân nổi dậy ở Raqqa, Idlib và Aleppo”, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo. Đích thân Bộ trưởng Sergei Shoigu đã xuất hiện trên truyền hình ca ngợi chiến công này. Các chiến binh người Kurd ở Syria cũng tung các hình ảnh video chộp thời khắc tên lửa Nga bay qua miền bắc Iraq. Mỹ thì theo dõi chặt chẽ thông tin này, nói rằng 4 quả tên lửa đã chệch mục tiêu, rơi nổ tại Iran – điều mà Moskva, Tehran hôm 8/10 đồng loạt lên tiếng bác bỏ.
Eric Wertheim, chuyên gia phân tích hải quân độc lập người Mỹ nói rằng, đó là cách người Nga muốn thể hiện sức mạnh trước thế giới. Loại SS-N-30 hầu như không nhiều người biết tới cho đến trước ngày 7/10. Wertheim cùng giới phân tích nước ngoài cũng chỉ quen với các biến thể trước đây là SS-N-27 – tên lửa chống hạm với tầm bắn chỉ khoảng 300km. Dòng SS-N-30 đương nhiên có tầm bắn lớn hơn so với các phiên bản trước và nó có thể đánh cả mục tiêu trên đất liền. Điều này khiến cho vũ khí mới của Nga đạt được vị thế ngang hàng với Tomahawk của Mỹ - loại tên lửa Mỹ thường phóng ồ ạt từ tàu chiến và tầu ngầm để hủy diệt đối phương trước khi phát động các cuộc không kích.
Hành trình bay của 26 tên lửa Kalibr-NK hôm 7/10. Ảnh: WP |
Rất ít nước sở hữu Tomahawk. Hiện mới chỉ có Mỹ và Anh là vận hành thành công loại tên lửa này trong tác chiến thực. Giờ Nga đã chính thức bước vào “Câu lạc bộ” giới hạn này và đây là điều làm Lầu Năm góc lo ngại. “Đó là lời cảnh tỉnh rằng nước Mỹ không còn giữ độc quyền về khả năng (phóng tên lửa hành trình)”, Wertheim bày tỏ. Thế nhưng, điều gây bất ngờ hơn cả là việc hải quân Nga phóng thành công 26 tên lửa tầm xa này chỉ từ các tàu chiến dạng nhỏ. Hải quân Mỹ thường phải viện đến các loại tàu khu trục, tàu ngầm tải trọng lớn, dài khoảng 150m, lượng choán nước cỡ 9.000 tấn để mang và phóng Tomahawk. 4 tàu chiến mới trình làng của Nga gồm Dagestan, Grad Svyyazhsk, Uglich và Veliky Ustyug thực hiện vụ phóng 26 tên lửa hành trình Kalibr đều là loại tàu nhỏ, chiều dài chỉ từ 60-100m, lượng choán nước dưới 1.500 tấn. “Tàu nhỏ mà hỏa lực lớn”, Wertheim bình luận.
Mỹ và đồng minh đang “đau đầu thực sự”. Phương Tây luôn “mừng vui” với một thực tế: Sau sự sụp đổ của Liên Xô, ngành đóng tàu Nga, trong đó có tàu chiến, trải qua giai đoạn suy sụp kéo dài, mãi đến gần đây mới hãm được đà suy thoái. Hải quân Nga phải hứng chịu những hệ quả sâu rộng, với rất ít các tàu chiến mới được đưa vào trang bị. Những chiếc mới được phiên chế trong vài năm gần đây thì đều là loại tàu nhỏ. Thế nhưng “loạt phóng tháng 10” đã chứng tỏ một điều, tàu chiến nhỏ do Nga chế tạo cũng dư sức phát động các đòn đánh hỏa lực mạnh, ở tầm xa, thứ trước đây tưởng như chỉ có Mỹ và một số ít đồng minh thân cận có được. Tên lửa hành trình Kalibr-NK đã giúp Nga tái khẳng định sức mạnh của một cường quốc quân sự toàn cầu và “Nga rất nghiêm túc trong vấn đề này”, chuyên gia Wertheim nói.