Ngày 16/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng yêu cầu liên quân do NATO đứng đầu chấm dứt ngay mọi hành động vi phạm hoặc vượt quá khuôn khổ Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ về Libi.
pNhững cột khói bốc lên từ Tajura, ngoại ô thủ đô Tripôli, sau cuộc không kích của NATO ngày 16/5. Ảnh: AFP - TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, tuyên bố nói trên được Ngoại trưởng Lavrov đưa ra tại Mátxcơva sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Namibia, ông Utoni Nyioma. Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ Nga và Namibia mong muốn mọi hành động gây đổ máu tại Libi nhanh chóng chấm dứt vì lợi ích của nhân dân và đất nước Libi cũng như của toàn bộ cộng đồng quốc tế, các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột và vì tương lai phát triển của Libi. Về phần mình, Ngoại trưởng Nyioma khẳng định Namibia lên án mọi hành động xâm lược của nước ngoài chống Libi và cho rằng các nước phương Tây đã vi phạm hai nghị quyết 1970 và 1973 của HĐBA LHQ. Namibia ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Libi.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Rôma, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini cùng ngày cho biết Italia và các đồng minh đang thảo luận về một giải pháp chính trị nhằm giúp nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi từ chức. Ông Frattini nói rằng giải pháp chính trị này sẽ loại bỏ ông Kadhafi và gia đình khỏi chính trường, đồng thời cho phép một chính phủ hòa giải dân tộc ở Libi lên nắm quyền. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Italia, các thành viên trong chính phủ của ông Kadhafi vẫn có cơ hội tham gia vào chính phủ mới.
Trong một diễn biến mới nhằm gia tăng sức ép đối với nhà lãnh đạo Kadhafi, công tố viên trưởng của Tòa án hình sự quốc tế (ICC), ông Luis Moreno-Ocampo, ngày 16/5 đã đề nghị ICC phát lệnh truy nã nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi cùng con trai ông Kadhafi là Saif al-Islam và người đứng đầu cơ quan tình báo Libi vì những tội ác chống lại loài người. Ông Moreno Ocampo cũng cho biết: “Văn phòng công tố viên đã đề nghị ICC phát lệnh truy nã”, bởi đã có bằng chứng cho thấy đích thân ông Kadhafi ra lệnh tấn công những người dân thường Libi vô tội. Vị công tố viên người Áchentina này cho biết thêm, một ủy ban của ICC sẽ nhóm họp để đưa ra quyết định có chấp thuận yêu cầu trên của ông hay không.
Trước đó, trong cuộc gặp với đặc phái viên của LHQ đang ở thăm Libi, Thủ tướng Libi Baghdadi Mahmudi đã tuyên bố Libi sẽ thực hiện ngừng bắn và đổi lại, NATO cũng phải ngừng không kích vào lãnh thổ nước này. Hãng thông tấn JANA (Libi) dẫn lời ông Mahmudi cho biết Libi chấp nhận quan sát viên quốc tế giám sát lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Thủ tướng Libi khẳng định Libi kiên quyết bảo vệ thống nhất lãnh thổ và đoàn kết dân tộc. Người Libi có quyền "quyết định công việc nội bộ và hệ thống chính trị thông qua đối thoại dân chủ mà không bị đe doạ bởi bom đạn". Cũng trong cuộc tiếp xúc với đặc phái viên Khatib, Thủ tướng Mahmudi đã buộc tội NATO lạm dụng và vi phạm nghị quyết về vùng cấm bay của Liên hợp quốc, cụ thể là "mưu sát chính trị, bao vây vùng biển vô lý, đánh bom các khu vực dân sự và phá hủy cơ sở hạ tầng".
Bất chấp đề nghị ngừng bắn của Libi, NATO vẫn tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào khu vực ngoại ô thủ đô Tripôli trong ngày 16/5, gây nhiều thương vong đối với dân thường và thiệt hại vật chất. Người phát ngôn NATO đã xác nhận NATO có thực hiện cuộc tấn công trang thiết bị quân sự của lực lượng chính phủ Libi trong thành phố Zuara (phía tây Tripôli), cũng như ném bom một cảng dầu ở thành phố Ras Lanouf (phía đông Libi). Cùng ngày, một vụ không kích của NATO nhằm vào tòa nhà cơ quan tình báo ở thủ đô Tripôli đã giết chết người phát ngôn quân đội của Libi, Đại tá Milad Hussein. Theo hãng thông tấn TAP của Tuynidi, máy bay NATO cũng đã ném bom các doanh trại và trung tâm rađa ở thành phố Boukamache của Libi, cách biên giới Libi-Tuynidi 11 km.
Dương Hạnh