Cụ Esperita García de Perez đã tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên vào tháng 5. Mũi tiêm, cùng với đức tin Công giáo, khiến cụ cảm thấy được bảo vệ tốt hơn trước dịch bệnh, và cụ đã hy vọng sẽ được tiêm mũi thứ hai vaccine Sputnik V do Nga phát triển vài tuần sau đó.
Nhưng cụ bà 88 tuổi vẫn đang chờ đợi. Cụ đã nhiễm COVID-19 vào tháng trước, và giờ đây hy vọng sống sót của Esperita dồn cả vào đống thuốc và dịch vụ chăm sóc tại nhà.
Giống như cụ Esperita, hàng triệu người dân từ các quốc gia đang phát triển ở Mỹ Latinh cho đến Trung Đông cũng đang chờ đợi những liều vaccine Sputnik V, sau khi các trục trặc về sản xuất và các vấn đề khác đã tạo ra khoảng trống lớn trong các chiến dịch tiêm chủng. Một công ty ước tính Nga mới chỉ xuất khẩu được 4,8% trong số khoảng 1 tỷ liều vaccine mà nước này cam kết, mặc dù giới chức Nga khẳng định hôm 13/10 rằng các vấn đề về nguồn cung đã được giải quyết.
Venezuela, quốc gia lựa chọn tiêm vaccine Sputnik V cho những người trên 50 tuổi, đã đặt hàng Nga 10 triệu liều từ tháng 12/2020 nhưng đến nay mới chỉ nhận được không đầy 4 triệu. Argentina, quốc gia đầu tiên ở Tây Bán cầu tiêm vaccine Sputnik V, nhận lô hàng đầu tiên vào ngày 25/12/2020, nhưng tới lúc này vẫn đang chờ đợi phần lớn trong số 20 triệu liệu đã mua.
Được ra mắt sớm vào tháng 8/2020, mang cái tên đầy tự hào của vệ tinh đầu tiên phóng lên không gian, tượng trưng cho sức mạnh khoa học Nga, vaccine Sputnik V đã được phê duyệt ở khoảng 70 quốc gia. Các phương tiện truyền thông nhà nước Nga hồi đầu năm đã phát đi những thông tin đầy chiến thắng về việc vaccine này đã “chinh phục thế giới” trong bối cảnh các quốc gia giàu tích trữ vaccine do phương Tây phát triển.
Ông Judy Twigg, giáo sư chuyên về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) cho rằng, lúc này cơ hội để Nga "khẳng định là vị cứu tinh" trong đại dịch đã không còn.
Không giống như các loại vaccine COVID-19 khác, mũi thứ nhất và mũi thứ hai của Sputnik lại khác nhau và không thể thay thế cho nhau. Hoạt động sản xuất ở Nga đã bị ảnh hưởng bởi những khó khăn, đặc biệt là trong việc chế tạo thành phần của liều vaccine thứ hai. Các chuyên gia đã chỉ ra khó khăn nằm ở năng lực sản xuất hạn chế cũng như quy trình rất phức tạp.
Sputnik là một loại vaccine véc-tơ virus, sử dụng một loại virus vô hại mang vật chất di truyền để kích thích hệ miễn dịch. Các nhà sản xuất không thể đảm bảo đầu ra ổn định do các thành phần sinh học liên quan đến rất nhiều biến số về chất lượng của thành phẩm.
Airfinity, một công ty phân tích dữ liệu khoa học đời sống, ước tính rằng 62 quốc gia có thỏa thuận cung cấp khoảng 1 tỷ liều Sputnik V, đến nay chỉ nhận được 48 triệu liều. Họ cũng không rõ liệu số vaccine còn lại có được giao trong năm 2021 hay kéo dài hơn.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga, cơ quan quản lý vốn và tiếp thị vaccine ra nước ngoài, hiện có hợp đồng với 25 cơ sở sản xuất ở 14 quốc gia, cho biết các cơ sở này “hoàn toàn tuân thủ các hợp đồng cung cấp Sputnik V, bao gồm cả liều thứ hai, sau khi lắp đặt dây chuyền sản xuất thành công vào tháng 8 và tháng 9”.
Giám đốc điều hành của quỹ, Kirill Dmitriev, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP rằng tất cả các vấn đề về nguồn cung “đã được giải quyết hoàn toàn. Tất cả các vấn đề với thành phần thứ hai cũng được giải quyết ở tất cả các quốc gia".
“Không có một nhà sản xuất vaccine nào trên thế giới không gặp vấn đề về phân phối vaccine”, ông Dmitriev phân bua.
Trong khi các nước phát triển phương Tây chủ yếu dựa vào các loại vaccine sản xuất tại Mỹ và châu Âu, như Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca, nhiều quốc gia đang phát triển đã tìm kiếm nguồn vaccine dễ mua hơn từ Trung Quốc và Nga. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu vẫn chưa phê duyệt sử dụng vaccine Sputnik V.
Tại Argentina, việc Nga chậm giao vaccine Sputnik V cộng với đợt bùng phát dịch vào tháng 3 đã buộc chính phủ phải đẩy nhanh đàm phán với các công ty dược phẩm khác. Thỏa thuận ban đầu là cung cấp 20 triệu liều vaccine cho Argentina, trong đó đến giữa tháng 10 nước này đã nhận khoảng 14,2 triệu liều. Một thỏa thuận sau đó đã được ký kết cho phép một cơ sở địa phương sản xuất vaccine có thành phần hoạt tính được vận chuyển từ Nga.
Trong khi đó, Iran đã nhận được lô vaccine Sputnik V thứ 14, mới đạt 1,77 triệu liều trong tổng số 60 triệu liều được cam kết. Thứ trưởng Bộ Y tế Alireza Raisi tháng trước đã kêu gọi những người được tiêm vaccine Sputnik mũi 1 nên tiêm mũi thứ hai là AstraZeneca, với lý do “không chắc” khi nào vaccine Nga mới tới tiếp.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi tháng 4, giới chức công bố thoả thuận mua 50 triệu liều Sputnik V, giao trong vòng 6 tháng. Đến tháng 6, mới chỉ có 400.000 liều được giao. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết vào tháng 8 rằng nước này chưa thể triển khai tiêm Sputnik vì không có sẵn liều thứ hai. Một quan chức Bộ Y tế không bình luận về việc liệu Thổ Nhĩ Kỳ có còn hy vọng nhận được liều thứ hai hay từ bỏ việc triển khai tiêm vaccine Nga.
Ấn Độ cũng được cam kết 125 triệu bộ Sputnik V hai liều nhưng mới chỉ tiêm được trên 1 triệu liều tính đến ngày 6/10.
Sự chậm trễ của Sputnik ở Argentina và Venezuela đã khiến một số người phải mũi liều thứ hai bằng vaccine khác mặc dù các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu tác động của việc trộn vaccine như vậy.