Theo Bộ Nội vụ nước này, tính đến tối 29/9 (giờ địa phương), số người thiệt mạng do lũ lụt và lở đất đã tăng lên 170 người. Ngoài ra, 111 người khác bị thương và 42 người mất tích. Hiện hơn 50% số tuyến đường cao tốc quốc gia ở Nepal vẫn chưa thể lưu thông.
Các nhà máy thủy điện và công trình thủy lợi của Nepal đã bị hư hại nặng nề do mưa lớn kéo dài gây lũ lụt và lở đất trong những ngày gần đây, với thiệt hại ban đầu ước tính là 4,35 tỷ rupee (32,6 triệu USD).
Phát biểu họp báo ngày 30/9, các quan chức của Bộ Năng lượng, Tài nguyên nước và Thủy lợi Nepal cho biết các dự án thủy điện và truyền tải điện đã chịu thiệt hại khoảng 3 tỷ rupee (22,5 triệu USD), trong khi các dự án kiểm soát nguồn nước sông và thủy lợi bị thiệt hại khoảng 1,35 tỷ rupee (10,1 triệu USD).
Lũ lụt đã làm hư hại 11 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất phát điện là 625,96 MW và khiến nhiều nhà máy khác phải đóng cửa. Điều này đã dẫn đến việc công suất phát điện 1.100 MW bị tạm dừng, tương đương gần 1/3 tổng công suất của các nhà máy điện trên cả nước. Ngoài ra, 15 nhà máy thủy điện đang trong quá trình xây dựng cũng bị ảnh hưởng.
Các nhà máy điện và đường dây truyền tải điện bị hư hại đã làm gián đoạn nguồn cung cấp điện tại nhiều khu vực ở Nepal. Giám đốc điều hành của Cơ quan Điện lực Nepal, ông Kul Man Ghising, cho biết: "Việc đảm bảo nguồn cung điện cho đất nước trong mùa Đông sắp tới có thể sẽ gặp khó khăn do cần có thời gian để bảo trì và sửa chữa các nhà máy điện bị hư hại".
Nepal thường sản xuất thủy điện dư thừa trong mùa gió mùa, nhưng vào mùa khô, sản lượng điện chỉ đạt khoảng 1/3 so với nhu cầu.